Trang

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

NGƯỜI RỤC




Một tộc người Việt Nam bí ẩn nhất thế giới
Báo Đất Việt
-o0o-
Cuộc sống ở hang sâu tách biệt hẳn với cuộc sống hiện đại của tộc người Rục đã lọt top 10 bộ lạc bí ẩn nhất thế giới.
Theo Wikipedia, người Chứt (còn gọi là người Rục) là một dân tộc ít người sinh sống tại Lào và Việt Nam.
Trước đây, người Chứt sống di cư, chủ yếu vùng núi tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, trong điều kiện rất lạc hậu. A. Cheon và Th. Guignard, hai nhà nghiên cứu người Pháp, đã miêu tả là người Chứt "hết sức nhút nhát, hễ thấy người lạ thì lập tức lẩn trốn.
Họ không có quần áo, nam nữ đều che mình bằng vỏ cây sui, ngủ chung lẫn lộn trong hang hoặc trong lều. Họ ăn bột cây nhúc và săn bắt tôm cá, thú nhỏ trong rừng. Cả nam và nữ đều búi tóc đằng sau". Có nguồn cho biết nhóm Rục thời trước có nguồn thức ăn quan trọng là bọt cây báng và thịt khỉ.
Tập quán của người Rục là sống theo bản năng, sống trong hang núi và rừng sâu cách ly với thế giới. Đã có lúc người ta cho rằng người Rục có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện tại, tại Việt Nam người Rục chỉ được tìm thấy ở Quảng Bình. Cuộc sống của họ cho đến bây giờ vẫn còn đói khổ, thiếu thốn và lạc hậu. Và có lẽ cho đến bây giờ câu chuyện về nhóm người này vẫn chưa hết bí ẩn.
Người Rục được coi là em út trong cộng đồng dân tộc Việt được phát hiện thật tình cờ. Cuối năm 1959, một tổ tuần tra thuộc đồn Biên phòng Cà Xèng Óc Sách tình cờ gặp “người rừng”. Tóc dài quá vai, thân không mảnh vải (chỉ có một tấm vỏ cây che chắn ngang lưng), họ trèo cây, nhảy qua các triền đá nhanh thoăn thoắt. Thấy các chiến sĩ biên phòng, họ hoảng sợ bỏ chạy tán loạn vào rừng sâu.
Tháng 3/1960, một tổ công tác của Bộ đội biên phòng lên đường, cùng đi có một người già dân tộc Sách. Sau mấy tháng trèo đèo lội suối, lăn lộn trong rừng già, tổ công tác mới phát hiện được một cửa hang.
Mất đúng một ngày thuyết phục, 11 hộ và 34 người Rục đầu tiên miễn cưỡng rời khỏi cửa hang, theo các chiến sĩ biên phòng ra thung lũng dựng lều làm rẫy. Những hạt muối mặn do các anh chia sẻ đã giữ chân họ, giúp họ rời bỏ dần cuộc sống hang hốc. Mãi đến năm 1971, những người Rục cuối cùng mới chịu rời hang. Lúc đó bộ tộc Rục còn lại cả thảy 109 người.
Đã ra khỏi hang nhưng người Rục vẫn lầm những chiếc lán bộ đội biên phòng dựng cho là một thứ “hang; cứ việc ở mà không cần tu bổ. Mưa dột bên trái, họ chuyển qua nằm bên phải; dột giữa nhà, họ chuyển vào góc, đến khi góc nào cũng dột thì họ bỏ lán chạy lên hang đá. Nhà nước trợ cấp tiền để mua ngô giống, người Rục dùng ngay tiền đó mua... rượu uống.
Thế nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Có nguyên nhân người ta không lý giải được nhưng cũng có cái người ta biết nhưng không khắc phục được. Và thế là, năm vì chiến tranh, năm thì vì dịch bệnh, lúc không có cái ăn nên người Rục lại kéo nhau vào hang đá ở.
Bản Mò O Ồ Ồ được thành lập, có trạm xá, có trường học, có một trạm thủy điện nhỏ và một hệ thống loa truyền thanh. Giữa rừng sâu heo hút, UBND tỉnh lắp một ăngten parabon để cho đồng bào xem tivi. Chiếc loa phóng thanh được bà con ví là cái “xô sắt biết nói và ti vi là “chiếc hộp biết nhảy múa” khiến người Rục tò mò, ngạc nhiên rồi thích.











Cuộc sống ở hang sâu tách biệt hẳn với cuộc sống hiện đại của tộc người Rục (Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Binh) cùng với những bộ tộc khác như Surma ở Ethiopia, các bộ lạc bí ẩn ở Amazon đã lọt top 10 bộ lạc bí ẩn nhất thế giới.
-o0o-

Video : Phóng sự đặc biệt về tộc người bí ẩn nhất thế giới ở VN

---ooo0ooo---

1 nhận xét: