Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

TÔN GIẢ TU BỒ ĐỀ (5.1-5.6)

10 vị đại đệ tử của Phật
Nguyên tác Hán Văn: Tinh Vân Pháp Sư
Việt dịch: Cư Sĩ Hạnh Cơ
Hiệu đính: Nữ Cư Sĩ Tịnh Kiên
-o0o-
5.1 - Tôn giả TU BỒ ĐỀ
(Subhuti)
(Thể nhập diệu lý “KHÔNG” hơn ai hết)
1.- ĐIỀM ĐẠI CÁT CỦA BÉ KHÔNG SINH:
Trong kho tàng giáo lý của đức Phật, những phát biểu về vũ trụ nhân sinh đã chiếm một địa vị đáng kể, trong đó, có thể nói rằng, giáo lí Bát Nhã là quan trọng nhất. “Bát Nhã” là gì? Ta có thể giải thích một cách giản dị và đúng đắn nhất, đó là tuệ giác về tínhKHÔNG.
Không? Đó là một đạo lí huyền diệu, khó hiểu, nói có đã không đúng mà nói không cũng không phải, vi nó thoát ra ngoài cặp ý niệm đối đãi có và không; không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt, mà cũng không thể dùng trí suy nghĩ để hiểu được. Tăng đoàn của đức Phật có đến 1250 vị tỳ kheo chứng quả A La Hán, nhưng có thể nói, người hiểu thông suốt diệu lý không hơn hết và thể chứng được diệu lý ấy, là tôn giả Tu Bồ Đề.
Nói tới Tu Bồ Đề, chúng ta cũng nên biết đén cái điềm lành trong lúc tôn giả vừa được sinh ra đời, để thấy rằng tôn giả vốn đã có cái cốt cách phi phàm từ lúc sơ sinh. (Tu Bồ Đề quê ở thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, vốn là cháu gọi trưởng giả Tu Đạt [Sudatta] bằng bác ruột. Tu Đạt là người thành Xá Vệ [Sravasti - Savatthi], đã xây tu viện Kì Viên [Jetavana] để cúng dường Phật và giáo đoàn dùng làm cơ sở tu học và hành đạo đầu tiên ở nước Kiều Tát La [Kosala]. Nhưng cũng có thuyết nói rằng, tôn giả Tu Bồ Đề sinh tại thành Xá Vệ, là em trai của trưởng giả Cấp Cô Độc [Anathapindada - Anathapindika]. - Chú thích của người dịch).
Nguyên lai, ngày mà tôn giả vừa được sinh ra, bỗng nhiên bao nhiêu của cải, vật dụng trong nhà đều biến mất. Mọi người rất lo lắng, tức tốc cho mời thầy tướng số về để xem sự thể tốt xấu ra sao. Xem quẻ xong, thầy nói: “Đây là việc rất đáng mừng. Trong nhà quí vị vừa sinh được quí tử. Lúc vị quí tử này mới được sinh ra mà tất cả vàng bạc châu báu đều trở thành không, đó là điềm đại cát, trong tương lai chắc chắn cậu ấy sẽ không bị danh lợi của thế gian trói buộc. Vậy chúng ta có thể đặt tên cho cậu bé là Không Sinh, hoặc Thiện Cát”.
Mọi người trong nhà nghe vậy mới yên lòng. Ba ngày sau, bỗng dưng mọi của cải, vật dụng trong nhà đều hiện lại nguyên trạng như cũ. Từ đó, tên của tôn giả, có người gọi là Không Sinh, có người gọi là Thiện Cát. Cái điềm lạ này thật là cổ kim hi hữu.
2.- NHÀ TIỂU TỪ THIỆN:
Khi còn niên thiếu, chưa qui y với đức Phật, cậu bé Tu Bồ Đề đã có cách nhìn đời cũng như các đối xử với người thật là khác biệt, không giống như mọi người. Tuy sinh trưởng trong một gia đình giàu có, được cha mẹ nuông chiều cưng quý, nhưng cậu không để cho mình trở thành một kẻ nô lệ cho vàng bạc của cải. Bao nhiêu tiền bạc do cha mẹ cho, cậu đều tìm dịp để giúp đỡ cho những kẻ nghèo khó. Có lúc giữa đường thấy người ăn xin, áo không đủ che thân, cậu liền cởi ngay áo ngoài của mình tặng cho, còn cậu thì chỉ mặc áo lót quần cụt trở về nhà. Cha mẹ cậu tuy không phải là hạng người keo kiệt, nhưng thấy tác phong của con mình như vậy thì không bằng lòng, đã có lúc gọi cậu lại để trách mắng:
- Không Sinh! Con đã có những hành động không đúng! Tiền bạc của mình cứ đem cho người mà không cần cân nhắc; y phục đang mặc cũng cởi ra cho người, rồi để thân trần như vậy đi ngoài đường làm sao mà coi cho được!
Tu Bồ Đề cung kính thưa:
- Thưa cha mẹ! Chẳng biết vì nguyên nhân gì con cảm thấy từ thâm tâm rằng, tất cả những gì trên thế gian đối với con đều có mối quan hệ mật thiết, tất cả mọi người cùng với con như có đồng một thân thể. Người ta và con đâu có gì khác nhau, cho nên đem những gì của mình để cho người ta cũng đâu có gì là không đúng.
Nghe Tu Bồ Đề nói thế, cha mẹ cậu lại càng bực mình:
- Thằng này thật là kì cục! Có tiền mà không biết xài, có áo mà không biết mặc, lại còn nói ngông, chẳng sợ người ta cười cho. Từ nay về sau, nếu không sửa đổi thì sẽ nhốt trong nhà, không được ra khỏi cửa!
Nhưng Tu Bồ Đề đã không thể sửa đổi được cái “thiên tính” ấy được, vẫn tiếp tục bố thí, cho nên bị cha mẹ nhốt luôn trong nhà, không cho đi đây đi đó nữa.
Nhưng sự việc đó lại trở thành vận may cho cậu, vì nhờ dịp này cậu có thì giờ đọc và nghiền ngẫm tất cả những sách vở về triết học và tôn giáo hiện hành trên toàn lãnh thổ Ấn Độ; do vậy, cậu đã có một kiến thức thật rộng rãi về các vấn đề nhân sinh. Cậu thường lấy làm tự hào thưa với cha mẹ:
- Vạn tượng dầy đặc trong trong vũ trụ như đều hiện rõ trong tâm con, nhưng trong tâm con lại dường như trống rỗng, không hề có vật gì cả. Nếu trên thế gian này không có một bậc thánh đại trí đại giác thì ai cũng không đủ tư cách để cùng với con thảo luận về tâm cảnh của người giải thoát; ai cũng không thể thấy rõ được cái thế giới ở trong tâm con.
Tu Bồ Đề trẻ tuổi mà đã có những lời nói sâu xa! Cha mẹ cậu nghe thế lại nghĩ đến sự kì lạ ngày nào lúc cậu mới ra đời. Miệng của kẻ bất phàm không khỏi phải nói ra những lời bất phàm. Cha mẹ lấy làm sửng sốt, lạ lùng cho người con cưng quí của mình.
3.- QUAY VỀ NƯƠNG TỰA PHẬT:
Lần nọ, đức Phật đến giáo hóa tại thôn xóm của Tu Bồ Đề. Người làng loan truyền cho nhau biết rằng đức Phật là bậc Nhất Thiết Trí, nói về trí tuệ thì trên thế gian này không ai có thể so sánh được.
Những lời bình luận trên rồi cũng đến tai Tu Bồ Đề; vả lại, chính cha mẹ chàng cũng theo người làng, cùng đến qui y với đức Phật.
Truyền thống tín ngưỡng của gia đình Tu Bồ Đề là Bà la môn giáo, nhưng bây giờ, tại sao cha mẹ lại theo người làng mà thay đổi tín ngưỡng một cách dễ dàng như vậy? Đến lượt Tu Bồ Đề lại lấy làm lạ lùng về cha mẹ mình.
Một hôm, phụ thân gọi Tu Bồ Đề bảo:
- Không Sinh! Con thường tự cho mình có trí tuệ, hiểu rõ được chân lí đời người, nhưng theo cha thì đối với đức Phật, con vẫn còn thua rất xa. Đức Phật không những là bậc đại trí tuệ mà còn là bậc đại từ bi, lại là bậc đại thần thông nữa. Từ hôm đức Phật đến địa phương ta giáo hóa, hầu hết người làng đều qui y theo Người. Cha định nay mai sẽ thỉnh Phật về nhà ta để cúng dường. Cha hi vọng rằng, lúc đó, ở trước mặt Người, tâm cuồng vọng của con sẽ tiêu mất.
Tu Bồ Đề vẫn tỏ vẻ không phục:
- Đức Phật trong con mắt của phụ thân là bậc nhất thiết trí, nhưng trong mắt của con thì ông ta cũng chỉ là người bình thường mà thôi.
Tuy ngoài miệng nói thế, nhưng trong thâm tâm, Tu Bồ Đề vẫn cảm thấy có điều gì thắc mắc, hơn nữa, cái “điều gì” đó còn làm cho chàng chấn động mạnh. Thật ra thì Phật là người như thế nào? Tu Bồ Đề tĩnh tọa, và khi tâm ý đã tĩnh lặng thì những bọt sóng lại cuồn cuộn nổi dậy trong lòng. Chàng suy nghĩ, nếu chờ đến khi đức Phật đến nhà thọ trai mới tương kiến, giả như lúc đó vì quá bận rộn mà Người không đến được thì sao! Cho nên, không thể chờ đợi được, ngay đêm hôm đó, chàng quyết định lén cha mẹ đến nơi Phật ngự để dò xét xem Người là người thế nào.
Đêm hôm đó trời trong gió mát, trăng thượng huyền treo tỏ rỏ trên không trung, muôn vì sao nhấp nhánh như có ý chế riễu chàng trai hiếu kì Tu Bồ Đề. Chàng một mình tìm đến chỗ Phật đang thuyết pháp. Lúc đó Ngài đang ngồi trên pháp tòa cao, bốn phía đèn đuốc sáng trưng. Hàng ngàn dân làng đang ngồi chung quanh pháp tòa, Chàng nhìn đức Phật. Ôi! Đó có phải là một người bình thường ở thế gian không? Tướng mạo của Người sao mà viên mãn quá! Trang nghiêm quá! Chói sáng quá! Thật là ngoài sức tưởng tượng của chàng! Người đông thế mà yên lặng vô cùng, hình như chẳng có ai dám thở mạnh, chỉ có pháp âm của Phật là nghe rõ mồn một mà thôi. Chàng nghe Phật dạy:
- Mọi người chúng ta đều chung cùng một bản thân. Bản thể ấy không phân biệt nhân và ngã. Tất cả vạn vật đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra. Không có một vật gì có thể tự nó tồn tại độc lập được. Ta và vạn pháp đã nương nhau mà tồn tại thì việc đem lòng từ bi và những ân huệ để bố thí cho chúng sinh, mới xem ra thì có vẻ như là vì người, mà thật ra thì chính ta cũng có được ích lợi lớn lao ...
Pháp âm của đức Phật vô cùng từ hòa, êm dịu và những lời dạy của đức Phật vừa rồi càng làm cho Tu Bồ Đề cảm động. Từ trong đại chúng, chàng len lén chắp tay hướng lên đức Phật, tỏ lòng cung kính.
Sau buổi pháp thoại, đức Phật trở về tịnh thất được dọn sẵn để nghỉ ngơi. Tu Bồ Đề lén theo sau, muốn hội kiến với Phật mà không đủ can đảm, cứ đứng thập thò ở cửa tịnh thất.
Như thấu được tâm ý của Tu Bồ Đề, đức Phật lên tiếng:
- Vị nào đó? Xin mời vào phòng để chúng ta cùng nói chuyện.
- Bạch Thế Tôn! Dạ con đây! Con là Tu Bồ Đề, xin Thế Tôn thâu nhận cho con được xuất gia làm đệ tử của Người.
- Thế à! Thì ra Tu Bồ Đề là ngươi. Ta nghe nói ngươi là một thanh niên thông tuệ nhất trong địa phương này. Tốt lắm, người thông tuệ thì mới có thể tin nhận và hành trì giáo pháp một cách chân chính. Vậy việc này song thân ngươi đã biết chưa?
- Bạch Thế Tôn! Con  nghĩ rằng khi song thân con biết việc này thì sẽ vô cùng hoan hỉ. Con rất vinh hạnh được thờ Thế Tôn làm thầy.
Đức Phật hoan hỉ chấp nhận. Từ đó Tu Bồ Đề mặc áo cà sa và trở thành một đệ tử kiệt xuất trong tăng đoàn của đức Phật.
4.- XIN ĂN NHÀ GIÀU, KHÔNG XIN ĂN NHÀ NGHÈO:
Sau khi xuất gia với ba y và một bình bát, mỗi ngày, buổi sáng Tu Bồ Đề vào phố khất thực, buổi chiều thì theo Phật nghe pháp, tham thiền.
Về việc khất thực, tăng chúng đều tuân theo pháp chế thứ đệ hành khất của Phật mà thi hành. Quí vị tỳ kheo, vị này tiếp nối vị kia, đi thành hàng một, hết nhà này đến nhà khác, dù thí chủ có cúng dưòng hay không cũng đều phải tuần tự đi qua, không được chọn lựa, bỏ sót. Nhưng riêng Tu Bồ Đề thì ngày bắt đầu vào nếp sinh hoạt khất thực đã không thi hành pháp chế ấy giống như đại chúng. Mỗi sáng khi ra khỏi tu viện, Tu Bồ Đề liền rẽ ra một lối khác, nhắm đối tượng đã được chọn trước để đi đến thẳng đó mà khất thực. Lúc đầu đại chúng không ai để ý, nhưng về sau họ đã phát giác được hành động khác lạ ấy của Tu Bồ Đề. Lúc ấy đại chúng mới biết được rằng, Tu Bồ Đề đi khất thực, chỉ chọn những nhà giàu có mà tới, nếu thấy nhà nào nhỏ hẹp, hoặc biết rằng trong gia đình ấy kinh tế cùng quẫn thi nhất định không dừng lại. Dù có phải đi thật xa để đến một nhà giàu xin ăn, tôn giả cũng vẫn đi, bằng không, thà hôm đó chịu nhịn đói chứ không đế xin ăn ở nhà nghèo.
Một hôm, trên đường phố Tì Xá Li (Vaisali - Vesali), một vị tì kheo đã cười mỉa hỏi Tu Bồ Đề:
- Kẻ nghèo dù có ở trước mặt cũng không ai thèm hỏi tới, người giàu dù ở sâu trong rừng núi cũng có kẻ đến làm thân. Ở thành Tì Xá Li này toàn là nhà giàu có, chẳng hay hôm nay đại đức đã tìm ra được nhà nào chưa?
Tu Bồ Đề đáp:
- Thưa đại đức! Không phải tôi không để ý đến người nghèo, trái lại còn có thể nói tôi luôn luôn đứng về phía những người nghèo. Sở dĩ tôi chỉ đến xin ăn ở những nhà giàu mà không đến những nhà nghèo, thực sự là vì tôi có tâm nguyện riêng, xin đại đức hiểu cho.
Đại đức chỉ muốn tới cửa nhà giàu mà không thèm đến nhà nghèo là vi đại đức muốn ngày nào cũng được ăn uống sung sướng, đầy đủ bổ dưỡng, hèn chi thân thể của đại đức trông tráng kiện, mập mạp như thế kia!
- Thưa đại đức! Xin đừng nói như vậy! Tôi đến nhà giàu khất thực không phải là vì để được ăn những món ngon vật lạ. Nếu cần ăn uống sung sướng thì tôi đâu cần phải xuất gia học đạo. Nhưng vì sao tôi không đến khất thực ở những nhà nghèo? Tại vì người nghèo khổ tự nuôi lấy gia đình họ đã khó khăn, vất vả rồi, làm sao có dư để cúng dường cho chúng ta! Dù họ có muốn muốn tự ý phát tâm thì họ cũng chỉ có lòng mà sức thì không đủ. Chúng ta đã không có lương thực để giúp đỡ họ thì thôi, lại còn bắt họ phải chịu thêm gánh nặng hay sao! Trong khi đó, đối với những người giàu có, một bữa cơm cúng dường cho ta đâu có đáng kể gì. Bởi vậy mà tôi tâm nguyện rằng chỉ đến khất thực ở nhà giàu mà không đến người nghèo.
Nghe Tu Bồ Đề nói rõ tâm nguyện, vị tì kheo kia không còn biết phải nói năng làm sao nữa.
Trong tăng đoàn, người có tác phong tương phản với Tu Bồ Đề là tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakapasya - Mahakassapa). Trong khi Tu Bồ Đề chỉ xin ăn nhà giàu, không xin ăn nhà nghèo, thì Đại Ca Diếp lại chỉ xin ăn nhà nghèo mà không xin ăn nhà giàu. Tu Bồ Đề không hiểu được tâm ý của Đại Ca Diếp ra sao, cho nên một hôm nhân lúc nhàn đàm, tôn giả đã hỏi Đại Ca Diếp:
- Thưa sư huynh! Quan niệm khất thực của sư huynh là trái ngược với tôi. Vậy tôi xin vô lễ được hỏi nguyên nhân tại sao.
Đại Ca Diếp giải thích:
- Chúng ta xuất gia làm sa môn, giữ đạo và hành trì giáo pháp, đó là ruộng phước cho người đời. Chúng ta thọ nhận sự cúng dường của thí chủ là tạo cơ hội cho họ làm tăng trưởng phước huệ. Sở dĩ tôi chỉ đến khất thực ở những nhà nghèo là vì tôi muốn cho họ gieo trồng phước đức, nhờ đó mà họ sẽ thoát được cảnh nghèo khổ trong kiếp vị lai; còn người giàu vốn dĩ họ đã có nhiều phước báo, vậy hà tất chúng ta phải thêm hoa cho gấm!
Lời giải thích của tôn giả Đại Ca Diếp vừa có vẻ như biện bạch chính mình mà cũng vừa có vẻ như muốn thuyết phục Tu Bồ Đề. Nghe xong, Tu Bồ Đề gật đầu đồng ý, và vì không muốn người khác phải theo quan niệm của mình, tôn giả nói:
- Xin ăn nhà giàu hay nhà nghèo cũng đều vi lợi ích cho chúng sinh. Thưa sư huynh! Trong Phật pháp có nhiều cánh cửa phương tiện, chúng ta mỗi người có thể hành trì theo hạnh nguyện riêng của mình, vì chung qui cũng đều là giáo pháp của Phật.
Thái độ khất thực cũng như những lời đối đáp giữa hai tôn giả Tu Bồ Đề và Đại Ca Diếp đã trở thành hai mũi nhọn đối chọi nhau. Đức Phật biết được việc này và không đồng ý với cả hai vị. Phật quở trách cả hai vị là đã khất thực không đúng với giáo chế. Khất thực đúng phép phải là thứ đệ hành khất, không được lựa chọn giàu nghèo, không phân biệt dơ sạch, và oai nghi lúc nào cũng phải nghiêm túc.
5.- KHÓC TRONG PHÁP HỘI BÁT NHÃ:
Tôn giả Tu Bồ Đề rất tinh tấn trong việc nghe pháp và tu tập. Bởi thế, trong 16 pháp hội Bát Nhã của đức Phật, trừ khi phải giáo hóa ở các nơi xa xôi, còn thì tôn giả không bỏ sót một pháp hội nào.
Một lần nọ, tại tu viện Kì Viên, đức Phật dự định nói kinh Kim Cang Bát Nhã. Tất cả chúng đệ tử, sau khi vào thành khất thực trở về, đều lần lượt ngồi xuống chung quanh đức Phật.
Lúc ấy Phật đang tĩnh tọa, mọi người cũng ngồi yên lặng, chưa ai dám lên tiếng hỏi điều gì. Bấy giờ, tôn giả Tu Bồ Đề, hiểu rõ được tâm ý của Phật, liền đứng dậy, trật vai áo bên phải, lạy Phật và thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng con đều biết rằng Thế Tôn rất khéo léo ái hộ chúng con, nhưng đối với các thiện nam tín nữ khi phát tâm bồ đề thì làm thế nào mới có thể an trú được? Và khi họ bị các vọng niệm quấy phá thì làm thế nào mới có thể hàng phục được? Xin Thế Tôn từ bi dạy bảo chúng con!
Đức Phật rất hoan hỉ đối với vấn đề tôn giả vừa nêu ra. Ngài dạy:
- Làm thế nào để an trú ở tâm bồ đề và không bị vọng niệm quấy phá ư? Này Tu Bồ Đề! Chính là trong khi bố thí, nên thực hành hạnh bố thí vô tướng; trong khi độ sinh, nên thực hành cách độ sinh vô ngã. Cứ theo cách thức ấy mà an trú, cứ theo cách thức ấy mà hàng phục vọng tâm.
Vô tướng bố thí, vô ngã độ sinh! Tu Bồ Đề chợt hiểu rõ một cách sâu sắc lời Phật vừa dạy. Tôn giả vô cùng cảm kích pháp âm của Phật. Vui mừng đến độ chảy nước mắt, tôn giả quì xuống trước Phật, thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn! Từ ngày con được làm người cho tới nay, đây là lần thứ nhất con được nghe giáo pháp cao sâu nhiệm mầu như vậy. Từ nay trở đi hai thứ chấp trước ngã và pháp đều không còn quấn chặt được con nữa. Tất cả bốn tướng trạng là ta, người, chúng sinh và sinh mạng cũng không thể trói buộc được con nữa. Phải xa lìa được mọi vọng tướng chấp trước mới có thể thấy được tính không. Phải trừ khử mọi ý niệm về danh, tướng mới có thể thấy được thực tại nhân sinh. Hôm nay con đã thể nhập được tâm ý của Phật, con đã thấy rõ được chính mình.
Sau lần khai ngộ này, tôn giả Tu Bồ Đề đã trở thành người đệ tử của đức Phật đứng đầu tăng đoàn về hiểu rõ tính không.
6.- NGHE VIỆC XƯA MÀ TĂNG TRƯỞNG LÒNG TIN:
Tuy đức Phật biết rõ Tu Bồ Đề đã dứt trừ được vọng tâm chấp trước nhân ngã, nhưng đối với lòng từ bi vô biên, vì muốn tăng thêm sức mạnh cho lòng tin tưởng của Tu Bồ Đề về vô tướng bố thí và vô ngã độ sinh, Ngài đã thuật lại câu chuyện “tiền thân” như sau:
“Này Tu Bồ Đề! Trong kiếp quá khứ, có lần ta là một người tu hành ở trong chốn rừng núi. Lúc đó ta đang tĩnh tọa dưới một cây đại thọ, nhắm mắt để quán chiếu về những huyền bí của vũ trụ và về khởi nguồn của nhân sinh. Bỗng nhiên ta nghe có tiếng cười dòn nổi lên ở phía trước. Ta mở mắt ra nhìn, thì ra là một đoàn thiếu phụ sắc nước hương trời đang đứng trước mặt. Nhìn cách phục sức và trang điểm sang trọng của họ người ta sẽ biết ngay rằng, nếu họ không phải là tiên nữ từ thượng giới hạ giáng thì cũng phải là các phi tần trong chốn hoàng cung. Họ nắm tay nhau, cùng tiến tới trước mặt ta, vừa cười cợt hỏi:
- Ông thầy tu ơi! Đây là chốn núi sâu rừng rậm, tại sao ông ngồi một mình vậy! Ông không sợ cọp, beo chó sói ăn thịt sao?
Ta vẫn ngồi ngay thẳng trả lời:
- Thưa quí vị nữ sĩ tôn quý! Đúng vậy. Tôi ở đây tu hành chỉ có một mình, vì người tu hành không nhất thiết phải có nhiều bạn bè. Hơn nữa, người có tâm từ bi thì sẽ không bị thú dữ làm hại, còn ở tại chốn thành đô hoa lệ thì những thứ như tiền bạc, sắc đẹp và quyền uy, có khác gì cọp, beo, chó sói ở nơi rừng núi đâu!
Nghe ta nói xong mấy lời này thì đám thiếu phụ kia bỗng thay đổi thái độ, không còn có vẻ kiêu kì nữa mà lại tỏ ra cung kính đối với ta. Họ ân cần xin ta chỉ dạy. Ta bèn ngắt một đóa hoa hồng nhỏ ở bên cạnh, nói tiếp:
- Thưa quí vị! Người đời ai cũng mong tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc cũng có thứ chân thật, thứ giả dối, thứ trường cửu, thứ tạm thời. Phần đông người ta đều bị mê hoặc, bị lôi cuốn bởi thứ hạnh phục giả tạm, giống như đoá hồng nhỏ này, vừa nở ra trông rất đẹp, nhưng cái đẹp ấy không tồn tại vĩnh viễn. Tuổi trẻ, sắc đẹp, sự cường tráng và khỏe mạnh không đủ cho chúng ta ỷ lại.
Đời người đáng quí ở chỗ biết sống đúng đạo líý, làm cho đời sống luôn luôn tiến triển và thăng hoa; đó là việc nên theo đuổi.
Ta vừa nói đến đây thì một người ăn mặc theo lối vương giả, tay cầm bảo kiếm từ xa chạy tới trước mặt ta quát lớn:
- Ngươi là ai, sao dám cả gan đùa giỡn với cung phi của ta?
Ta thấy người ấy chạy đến với thái độ cực kỳ hung hãn. Ta từ tốn nói:
- Thưa đại vương! Xin ngài cho biết quí danh và xin ngài đừng nên nhục mạ người như vậy.
Nhưng người ấy càng to tiếng hơn:
- Ngươi nằm mộng giữa ban ngày chăng? Ta là vua Ca Lỵ, oai danh chấn động bốn phương, ai mà không biết! Không ngờ ngươi dám dụ dỗ cung phi của ta!
- Thưa đại vương! Xin ngài đừng nói như vậy. Tôi là kẻ tu hành, giữ hạnh nhẫn nhục, cho nên không dám có lời chống đối ngài, nhưng khẩu nghiệp ngài vừa tạo ra chắc chắn sẽ đem lại cho ngài một tương lai không tốt đẹp.
- Ngươi tu hạnh nhẫn nhục ư? Vậy ta thử cắt thân thể ngươi ra từng mảnh, xem ngươi có nhẫn nhục được hay không!
Này Tu Bồ Đề! Vua Ca Lỵ nói như thế xong liền dùng bảo kiếm lần lượt móc mắt, cắt tai, cắt mũi, chặt hai tay rồi hai chân ta; nhưng vì hạnh nguyện độ sinh, vì ban bố lòng từ bi cho chúng sinh mà ta không hề khởi lên một niệm sân hận. Với tinh thần vô ngã độ sinh, ta dần dần tích tụ phước huệ để trang nghiêm cho quả vị giác ngộ. Này Tu Bồ Đề! Sự hung bạo không thể thắng được người, chỉ có người tu hạnh nhẫn nhục mới đạt được thắng lợi cuối cùng mà thôi”.
Tôn giả Tu Bồ Đề vô cùng cảm động khi nghe xong mẫu chuyện tiền thân về một kiếp tu hành của đức Phật, và nhờ câu chuyện đó mà tôn giả càng thể hội sâu xa chân lý vô ngã, thực chứng được tuệ giác về tính không cao sâu mầu nhiệm.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét