Trang

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

CẦY TAI TRẮNG

Cầy tai trắng - Ninja của rừng già

-o0o-
Sở hữu hai mắt to, phần lông quanh mắt có màu nâu sậm trông giống chiếc mặt nạ của các ninja trên phim ảnh, trong thế giới của loài thú ăn đêm, cầy tai trắng được mệnh danh là Ninja của rừng già.
So với những người anh em trong họ cầy Viverridae, Cầy tai trắng có kích thước trung bình, phần sống mũi có sọc trắng mờ. Đôi tai chúng to tròn, mỏng phủ lớp lông ngắn màu trắng, hai mắt to, phần lông quanh mắt có màu sậm, trông như một chiếc mặt nạ của các ninja trên phim ảnh. Ngoài gương mặt “điển trai”, Cầy tai trắng được tạo hóa ban tặng một bộ lông màu vàng nhạt, đôi khi hung xám, và có ba sọc nâu đen dọc sống lưng. Phần lông ở chân và cuối đuôi của loài này có màu đen tuyền, xù hơn so với lông trên mình.
Cầy tai trắng khá khó tính trong ăn uống. Thức ăn ưa thích của chúng là các loại quả như, sung, da, mận... trứng chim và chim. Trong những cánh rừng nguyên sinh, cây cối đua nhau vươn cao để đón ánh mặt trời, nên việc kiếm được bữa trái cây ngon lành đủ dinh dưỡng luôn là thách thức với loài động vật không có đôi cánh. Nhưng với Cầy tai trắng thì đó lại là chuyện nhỏ, bởi qua quá trình tiến hóa, loài này đã phát triển khả năng leo trèo và luồn lách phi thường để luôn là kẻ về nhất trong các cuộc "trèo đua” tìm quả mọng.
Chúng còn có thể phi thân từ tán cây này qua tán cây khác nếu khoảng cách dưới 5 mét. Khả năng leo trèo tuyệt vời còn giúp Cầy tai trắng trở thành “cái chết bất ngờ” đối với lũ chim ngây thơ vốn cứ tưởng tán cây cao là chỗ nghỉ an toàn khi đêm xuống.
Trong màn đêm, cầy tai trắng thoát ẩn thoắt hiện trên các ngọn cây cao. Tuy chúng không nhỏ bé, nhưng với “thân thủ phi phàm” và bước đi êm ái thì rất khó để con người có thể quan sát được loài này trong rừng. Tuy nhiên, nếu biết được vị trí chúng hay kiếm ăn cộng thêm lòng kiên nhẫn, con người vẫn có thể quan sát và chụp ảnh loài thú chuyên ăn đêm này tại một số khu vực ít có sự tác động của con người.
Cầy tai trắng có tên khoa học là Arctogalidia trivirgata. Theo trang Sinh vật rừng Việt Nam, loài này phân bố từ Ấn Độ, Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Borneo, Sumantra, Java đến Đông Dương. Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận loài này ở nhiều nơi, như Vĩnh Phú, Hoà Bình, Gia Lai, Kontum, Ninh Thuận, Bình Thuận... Đây là loài thú quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Hiện số lượng loài có chiều hướng suy giảm do nạn săn bắn bừa bãi và mất sinh cảnh sống.
(Theo VnCreatures

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét