Trang

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

10. SIGMUND FREUD

Những nhà khoa học và những nhà tư tưởng (10)
10. Sigmund Freud
BKTT Wikioedia
-o0o-
Sigmund Freud (tên đầy đủ là Sigmund Schlomo Freud (6/5/1856 – 23/9/1939) nguyên là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo.  Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học . Cho đến ngày nay mặc dù lý thuyết về phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi và người ta còn đang so sánh hiệu quả của các phương pháp phân tâm học của ông với các phương pháp điều trị khác, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20.
Cách Praha , thủ đô nước Cộng hòa Séc  khoảng 130 dặm về phía đông là thành phố Freiberg (sau đổi tên là Pribor), một thành phố nhỏ thuộc vùng Moravia  nằm gần biên giới Ba Lan. Sigmund Freud đã ra đời vào ngày 6 tháng 5 năm 1856 trong một gia đình Do Thái  chính thống. Theo phong tục, cậu bé được đặt một tên Do Thái là Schlomo, theo tên vua Solomon  và cũng là tên người ông của cậu. Mẹ ông, một phụ nữ người Viên, là vợ thứ ba của Jacob, cha ông, và khi sinh Sigmund bà chỉ mới 21 tuổi. Cha của Freud là một nhà buôn len bình thường, tính tình hòa nhã, hơn người vợ ba của mình đến 20 tuổi.
Hai con trai với người vợ đầu của Jacob sống gần đó, tuổi gần bằng tuổi mẹ của cậu bé Sigmund, còn các con của những người cậu của Sigmund thì là những bạn chơi thời thơ ấu của Sigmund.
Những năm tháng sống ở Freiberg là những năm tháng rất đẹp trong thời thơ ấu của cậu bé Freud. Nhưng tại đây, ông cũng có những kỷ niệm buồn khi người em trai ngay sau ông, người mà ông luôn ghen tị khi thấy em mình được dành nhiều sự quan tâm của bố mẹ hơn lúc mới ra đời, đã mất khi chỉ mới 7 tháng tuổi. Cái chết của em làm Freud có cảm giác tội lỗi sâu sắc. Chính những ký ức về thời gian tại nơi này đã là chủ đề của nhiều bài viết sau này của ông.
Từ nhỏ, Freud đã sớm bộc lộ là một cậu bé thông minh, nhạy cảm. Ở trường, Freud là một học sinh giỏi, cậu được vào trung học sớm một năm, và liên tục đứng đầu lớp trong những năm trung học. Freud là một cậu bé đọc rộng, nắm vững tiếng Latinh, Hy Lạp, Pháp, Anh và Ý. Tài năng và thành công trong học tập của Freud được gia đình trân trọng. Tuy điều kiện gia đình khó khăn về tài chính nhưng cậu bé luôn được cha tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc học của mình. Vào nửa sau thế kỷ 19 , với sự phát triển của tư sản Tiệp, đe dọa đến cuộc sống của các thương nhân Do Thái. Cha của Freud nhận thấy cuộc sống tại Freiberg không còn đảm bảo nữa, năm 1860, ông quyết định chuyển gia đình lên sinh sống tại Wien.
Trong thời gian này, cậu bé lại có thêm những người em nữa. Đó là những năm khó khăn, gia đình đông người nhưng sống trong một căn nhà nhỏ. Tuy nhiên, cậu bé Freud vẫn được ưu ái dành riêng cho một căn phòng, có cửa sổ, giá sách, ghế và bàn viết, và được dùng đèn dầu, trong khi cả nhà phải dùng nến.
Lúc còn nhỏ, Freud đối với em mình lại là một ông anh khó tính, hống hách. Cậu giúp các em học, nhưng kiểm tra sách các em đọc, cấm các em đọc Balzac và Dumas , lại hay thuyết giảng...
Những năm thanh thiếu niên của ông, Wien, dù vẫn còn chủ nghĩa bài Do Thái , nhưng là một nơi của chủ nghĩa tự do chính trị. Nguyên tắc bình quyền giữa các tôn giáo được chính quyền tán thành. Thanh niên Do Thái lúc bấy giờ có đầy đủ các quyền công dân và quyền gia nhập các đoàn thể. Freud cũng không ngoại lệ. Ông mong muốn theo học ngành luật , nhưng mùa thu năm 1873 , Freud lại vào khoa Y trường Đại học Wen.
Trong thời gian học y khoa , ông tỏ rất rõ quan tâm của mình đến sinh lý y khoa  và sớm có những công trình nghiên cứu về sinh lý  rất quan trọng, mặc dù ông còn rất trẻ. Năm 1876 , ông được nhận làm sinh viên nghiên cứu ở viện sinh lý nổi tiếng của Ernst Bricke, ở đó ông tiếp tục nghiên cứu các vấn đề về sinh lý thần kinh.
 Năm 1881 , ông mới học xong đại học, và được công nhận là bác sĩ y khoa . Nhưng bản thân Freud, ông chưa bao giờ cho mình là thầy thuốc thực hành, và trong giai đoạn này, Freud luôn tìm kiếm cho mình một hướng đi sâu hơn về sinh lý học  y khoa, và ông vẫn tiếp tục công việc của mình tại viện sinh lý cho đến khi ông đính hôn.
Năm 1882 , Freud gặp và yêu, rồi đính hôn với Martha Bernay, một cô gái nhỏ bé, thông minh, xuất thân từ một gia đình có truyền thống trí thức và văn hóa Do Thái. Điều kiện làm việc tại viện sinh lý không cho phép Freud có thể lo lắng cho cả một gia đình dù đó là một gia đình nhỏ. Nếu muốn cưới vợ, ông phải có thu nhập thêm, vì vậy ông quyết định bỏ việc tại viện sinh lý, và đến làm việc tại bệnh viện đa khoa Wien.
 
Lúc này, Freud, một chàng trai trẻ tuổi, khát khao có được thành công trong khoa học, vì vậy, ông luôn muốn có được một khám phá mà ông hi vọng rằng có thể đem đến công danh cũng như tiền bạc. Điều đó ông đã lỡ mất chỉ trong gang tấc.
Năm 1884 , Freud đọc được một tài liệu viết về một bác sĩ  quân y Đức  sử dụng thành công cocain để tăng cường năng lực và sự chịu đựng cho binh sĩ. Ông đã quyết định dùng chính mình để thử, và nhận thấy mình trở nên khỏe khoắn, khả năng làm việc tăng lên. Lập tức ông khuyên một số đồng nghiệp của mình dùng thử, trong đó có Ernst von Fleischl-Marxow , một bác sĩ tài giỏi nhưng nghiện morphin.  Freud cho rằng cocain có thể chữa được chứng nghiện morphin, vì thế Ernst von Fleischl-Marxow hăm hở dùng, và nhanh chóng đạt đến liều cao.
Trong số đồng nghiệp của Freud được giới thiệu về cocain, có Carl Koller, một bác sĩ nhãn khoa . Koller đã nhận thấy cocain có thể làm thuốc gây tê tại chỗ trong phẫu thuật  mắt, ông đã nhanh chóng nghiên cứu và đã thành công. Ông đã nhanh chóng công bố phát hiện của mình, và gây được tiếng vang, được giới khoa học công nhận.
Thực ra Freud cũng biết đến tác dụng này của cocain, nhưng đáng tiếc là ông không lưu tâm đến điều này, không đi sâu tìm hiểu. Freud đã bỏ lỡ cơ hội. Không những thế, Fleischl-Marxow, người bạn của ông đã trở thành kẻ nghiện không chỉ morphin mà cả cocain. Fleischl-Marxow nhanh chóng suy sụp, lâm vào trạng thái thần kinh lẫn lộn, bị kích động, lo lắng và ảo giác, và chết  sau đó vài năm.
Trong khi đó trên thế giới bắt đầu có nhiều báo cáo về ngộ độc cocain, còn Freud bị chỉ trích nặng nề vì biện hộ cho cocain. Sự chỉ trích này có thể coi là viết nhơ trong cuộc đời ông, và nó cũng là một lý do khiến những ý tưởng sau này của ông không được quan tâm đánh giá đúng mức.
Lúc thuyết Phân tâm học  mới ra đời, thì cả nó lẫn tác giả của nó đều không được ủng hộ. Người ta không bán bánh mì cho Sigmund Freud nên ông phải che mặt nếu muốn mua được bánh mì.
Tuy câu chuyện buồn về Fleischl-Marxow là một thất bại ảnh hưởng đến uy tín của ông Freud lúc đó nhưng Brücke và một số giáo sư ở Đại học Wien tin tưởng. Cũng vì sự ủng hộ của những giáo sư này mà năm 1885, ông được đề bạt làm giảng viên danh dự tại đại học này, một vị trí rất được trọng nể.
Lúc này, tâm bệnh học  bắt đầu có những bước phát triển tại châu Âu,  nhất là tại Pháp . Tại đây, hysteria và thuật thôi miên  là những đề tài y học  nghiêm túc, được nghiên cứu, chú ý và gây nhiều tranh cãi trong giới y khoa. Đi tiên phong trong lãnh vực này là Jean Martin Charcot  - một nhà thần kinh học  lớn. Bệnh viện Salpêtrière của Charcot đã trở thành thánh địa cho các nhà thần kinh học  đến thăm.
Tuy nhiên, tại Đức và Áo , hysteria bị khinh thị, giới y học ở đây cho rằng đó là chứng bệnh của đàn bà, với những triệu chứng không tìm được nguyên nhân. Những bệnh nhân bị bệnh tâm thần kinh thì bị coi thường, tại các bệnh viện, họ được điều trị bằng kích thích điện và những thứ thuốc không hiệu quả.
Freud, cũng như những nhà thần kinh học khác, đã tìm đến bệnh viện của Charcot. Chính tài năng, tri thức cùng uy tín của Charcot đã mang lại nhiệt tình cho Freud. Trong một lá thư ông gửi cho Martha - người vợ chưa cưới của mình, ông viết: "Không có người nào từng tác động nhiều đến anh như vậy". Ông đã dịch các bài viết của Charcot sang tiếng Đức . Và chính Charcot đã làm Freud quan tâm đặc biệt đến bệnh học tâm lý. Ông cũng treo bức tranh khắc của André Brouillet  "Bài học lâm sàng của bác sĩ Charcot" tại phòng khám của mình ở số 19 phố Berggasse, người con trai đầu lòng chào đời năm 1989 cũng được ông đặt tên là Jean Martin để tôn vinh người thầy của mình. Trong suốt cuộc đời làm việc về sau, Freud vẫn hay trích dẫn câu nói của Charcot: "Lý thuyết thì tốt, nhưng không ngăn được thực tiễn tồn tại", để chỉ trích thái độ chỉ biết chấp nhận những kiến thức thu được mà không hề phê phán.
Freud đã được trao Giải Goethe năm 1930.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét