Trang

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

1. TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT

Mười Đại Đệ Tử Của Phật
1.              Tôn Giả Xá Lợi Phất – Trí Tuệ Đệ Nhất
Hòa Thượng Tuyên Hóa
-o0o-
“Xá Lợi Phất”: Về Tôn giả Xá Lợi Phất, tôi tin là mọi người đều rất quen thuộc, đều nhớ rất rõ vị Tôn giả này, vì Tôn giả có một đoạn nhân duyên khiến cho người ta không thể quên. Cậu của Tôn giả Xá Lợi Phất, tên là Ma Ha Câu Hy La, thường cùng người chị (tên là Thu) biện luận với nhau; và mỗi lần biện luận như thế, người chị luôn là người thua cuộc, còn Ma Ha Câu Hy La luôn là kẻ thắng cuộc; nhưng sau khi người chị mang thai thì điều kỳ lạ đã xuất hiện.
image
Điều kỳ lạ gì? Bấy giờ, mỗi lần ông và người chị biện luận, thì ông luôn bị thua, trái lại người chị thì luôn được thắng. Do vậy mà Ma Ha Câu Hy La biết rằng: “Ồ! Chị mình trước kia không thông minh như vậy, bây giờ lại thông minh như thế; đứa trẻ trong bụng của chị chắc chắn là người có trí tuệ, nó đến giúp mẹ biện luận.” Ông liền nghĩ: “Ồ! Bây giờ mình phải đi học bản lĩnh! Nếu như không học thành tài, tương lai sau khi đứa cháu bên ngoại này sinh ra, mình thân làm cậu, là bậc tiền bối, mà lại biện luận thua cháu thì thật là xấu hổ, thật là mất mặt!” Thế là ông đi đến miền Nam Ấn Độ học pháp. Quý vị nói thử xem ông học như thế nào? Ông đọc sách, học pháp cả ngày lẫn đêm, học đến nỗi tóc không cắt, râu không cạo, móng tay mọc dài đến cả tấc cũng không cắt.
Vì sao không cắt? Không phải là ông cố ý không cắt! Ở đây, tôi không nói đến hiện tượng phổ biến của những thanh niên bây giờ là cũng để tóc dài, để râu dài, không gọn gàng tươm tất, cũng không học hành đàng hoàng nữa. Ông sở dĩ khác với những thanh niên này là vì ông không có thì giờ để tự chăm sóc, ngay cả cắt móng tay còn không có thì giờ; ông bận việc gì? Bận học—học cả ngày lẫn đêm! Quý vị xem, đây mới thật sự là dụng công học tập! Vì học mà gác lại tất cả công việc khác, không có thì giờ cắt móng tay, không có thì giờ cạo râu, cắt tóc …; do vậy mà mọi người đều gọi ông là “Trường trảo phạm chí” (người Phạm chí móng tay dài).
Cứ thế, ông học thuần thục tất cả các học vấn biện luận của miền Nam Ấn Độ như y học, bói toán, chiêm tinh. Trở về nhà, ông liền đi gặp chị của mình; gặp chị, ông hỏi: “Cháu của em đi đâu rồi?” Chị trả lời: “Cháu của cậu đã đi xuất gia theo Phật rồi!” Vừa nghe nói cháu mình xuất gia theo Phật, ông liền khởi tâm tự cao tự đại, nghĩ rằng: “Ôi! Cháu của mình mới tám tuổi đã có thể đăng tòa thuyết pháp, tiếng tăm vang dội Ngũ Thiên, hết thảy năm nước lớn ở Ấn Độ đều chấn động, tất cả mấy trăm luận sư đều bại trận dưới tay nó! Một đứa trẻ thông minh như thế, làm sao có thể đi xuất gia theo một sa môn chứ? Thật là đáng tiếc!” Ông khởi tâm kiêu ngạo như thế, liền muốn đi gặp Phật, ông nghĩ: “Mình đi xem thử vị sa môn này có bản lĩnh gì mà có thể gạt được đứa cháu thông minh như thế của mình làm đệ tử?”
Đến nơi, gặp được Phật, ông liền muốn đem tất cả phương thức ra tấn công Phật, nhưng nghĩ không ra một cách thức nào! Đã học suốt mười mấy năm trời ròng rã, móng tay cũng không buồn cắt, dự định trở về sẽ cùng cháu biện luận, đâu ngờ trở về lại không có đất dụng võ, đứa cháu đã xuất gia theo Phật. Bây giờ gặp được Phật, cũng không biết nên đem loại sách đã học nào ra biện luận để thắng được Phật; nghĩ tới nghĩ lui, rốt cuộc ông nghĩ ra được một cách là lập ra một tông chỉ với Phật.
duyma-1.jpg
Phật hỏi ông: “Ông lấy cái gì làm tông?” Ông trả lời: “Tôi lấy ‘bất thọ’ (không tiếp nhận) làm tông.” “Bất thọ” nghĩa là cho dù Ngài có giảng cái gì, tôi cũng không tiếp nhận; Ngài nói cái gì, tôi cũng không quan tâm; tôi sẽ không tiếp nhận đạo lý của Ngài nói, để xem Ngài có biện pháp gì, Ngài nói đi!
Phật bảo: “Được! Ông lấy ‘bất thọ’ làm tông, thế thì ông có tiếp nhận được kiến giải ‘lấy bất thọ làm tông’ của ông không?”
Phật mới hỏi như thế đã làm cho ông cứng họng, không trả lời được. Nếu như nói “chấp nhận kiến giải của mình” thì đây là “thọ”; nếu như nói “không chấp nhận kiến giải của mình” thì căn bản sẽ không có tông! Ông đã nói “lấy bất thọ làm tông”, đây chính là “kiến”, chính là tri kiến của ông. Nếu như bảo “bất thọ” (không thừa nhận) thì càng mâu thuẫn với chính mình, chứng tỏ điều mình nói không có đạo lý, giống như trồng một cái cây nhưng không có gốc! Nếu như nói “thọ” (thừa nhận) kiến giải của mình thì trên căn bản, tông chỉ này không thể đứng vững được.
Trước khi biện luận, ông đã đánh cuộc với Phật rằng: “Nếu như tôi biện luận thua, tôi sẽ cắt đầu mình đưa cho Ngài; nếu như Ngài thua, Ngài phải trả đứa cháu lại cho tôi.”  Vậy mà lần này bị thua xiểng niểng, ông nghĩ: “Đầu mà bị cắt xuống thì coi như xong đời, làm sao có thể như vậy được?” Nghĩ thế, ông liền bỏ chạy.
Chạy được khoảng 5-6 dặm Anh, ông tự nghĩ: “Ai da! Mình là một nam tử hán, đại trượng phu, làm sao có thể nói mà không giữ lời được chứ? Mình đã nói nếu như mình biện luận thua thì sẽ tự cắt đầu của mình; bây giờ mình lại bỏ chạy, làm sao có thể như thế được? Ai da! Phải trở lại cắt đầu mình như đã giao ước mới đúng!” Ông nghĩ như vậy, liền chạy trở lại, bảo với Phật cho mượn con dao: “Xin Ngài cho tôi mượn con dao!” (giới đaocủa các nhà sư dùng thời xưa). Phật hỏi: “Ông cần dao để làm gì?” Ông đáp: “Tôi đã lập ra điều kiện cho cuộc biện luận này với Ngài, bây giờ tôi thua rồi, tôi phải cắt đầu của mình đưa cho Ngài!”
Phật bảo: “Trong giáo pháp của Phật không có loại phương thức này! Ông thua, xem như xong, hà tất phải cắt đầu?” Thế là Phật thuyết pháp cho ông; vừa nghe, ông liền đắc được Pháp nhãn tịnh ngay tại chỗ, mở được con mắt pháp. Mắt pháp vừa mở, ông biết được Phật pháp thâm diệu vô cùng: “Thì ra pháp ngoại đạo mà mình đã học nhiều năm như thế đều không bằng một phần vạn của Phật pháp!” Cho nên, ông không những không bắt cháu mình về, mà chính ông cũng xuất gia theo Phật. Cậu của Xá Lợi Phất có một nhân duyên đặc biệt như thế, cho nên tôi tin rằng ai ai cũng đều biết đến Tôn giả Xá Lợi Phất.
Xá Lợi Phất là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “thu tử”; lại còn gọi là “châu tử” hay “thân tử”. Tại sao gọi là “Thu tử”? Vì cặp mắt của mẹ Tôn giả giống như mắt chim Thu Lộ,  vô cùng xinh đẹp, cho nên được gọi là “Thu”. Chữ “Phất” trong Xá Lợi Phất chính là chữ “tử” (con); do đó “Xá Lợi Phất” có nghĩa là “Thu Lộ chi tử” (con của Thu Lộ). Tại sao gọi là “Châu tử”? “Châu”  là tên của mẹ Tôn giả, vì cặp mắt của mẹ Tôn giả giống như hạt châu, cho nên bà còn được gọi là “Châu tử”. Tại sao gọi là “Thân tử”? Chính vì Tôn giả là một đứa con được tạo thành từ một phần thân thể của người mẹ.
Trí huệ của Tôn giả Xá Lợi Phất đứng vào bậc nhất, thần thông của Ngài cũng vô cùng quảng đại. nói như thế chẳng phải là Ngài đứng nhất về trí huệ và đứng nhì về thần thông, không phải thế. Vậy thì thế nào? Có một lần Ma Ha Mục Kiền Liên cùng Tôn giả đọ thần thông; đọ thần thông như thế nào?
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi đến nơi nào thuyết Pháp, tất cả các đệ tử đều phải đi theo để được nghe pháp. Vì sao vậy? Vì nếu không đi theo để nghe thì sau này sẽ không thể nào được nghe lại pháp Phật đã giảng qua; bởi vào thời đó không có máy thâu âm giống như bây giờ, có thể thâu lại lời thuyết pháp của Phật, để nếu lần nầy mình không dự nghe thì lưu lại để sau nghe từ từ. Thời đó vẫn chưa có phương thức này, cho nên các đệ tử của Phật đều phải đi theo để nghe pháp; duy chỉ có một lần nọ, Xá Lợi Phất đang nhập định nên không đi theo. Ma Ha Mục Kiền Liên bảo: “Thôi được! Nếu Tôn giả không xuất định, tôi sẽ dùng thần thông làm cho Tôn giả xuất định!” Tôn giả Mục Kiền Liên thi triển tất cả thần thông của mình, muốn kéo Tôn giả Xá Lợi Phất đứng dậy, nhưng không những kéo không nổi Xá Lợi Phất mà ngay cả chéo áo của Tôn giả cũng không bị xê dịch. Quý vị nói xem, thần thông của Tôn giả Xá Lợi Phất quảng đại đến thế nào! Tôn giả Mục Kiền Liên vốn là thần thông đệ nhất, nhưng đến khi hai người “đấu pháp” với nhau thì Mục Kiền Liên không thể vượt qua Xá Lợi Phất, điều đó đủ thấy thần thông của Tôn giả Xá Lợi Phất thật là quảng đại!

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét