Trang

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

BỆNH TÁO BÓN

Phòng ngừa bệnh táo bón ở người cao tuổi
vietbao.vn
-o0o-
Táo bón là một bệnh thường gặp thuộc hệ  thống đường tiêu hóa. Bệnh táo bón có  thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người cao tuổi bị táo bón chiếm tỷ  lệ nhiều hơn. Bình thường một người có  thể đi ngoài có thể  từ 1-3 lần trong một ngày hoặc trên 3 lần trong một tuần. Một người được coi là bị táo bón khi quá 3 ngày chưa đi ngoài hoặc đi ngoài dưới 3 lần trong một tuần, có thể có từng cơn đau quặn bụng, phân rắn, mỗi khi đi ngoài phải rặn mạnh. Vậy táo bón ở người cao tuổi như thế nào? Cần làm gì để hạn chế tình trạng này?
Như chúng ta đã biết, thức ăn, nước uống sau khi vào đường tiêu hóa đa phần sẽ được hấp thu ở ruột non, phần còn lại và các chất cặn bã sẽ dồn xuống đại tràng. Tại đại tràng, số còn lại của chất dinh dưỡng sẽ được hấp thu tiếp tục, chất cặn bã, các chất độc do vi sinh vật và quá trình chuyển hóa sinh ra sẽ được đào thải ra ngoài. Nếu chất cặn bã kèm theo các chất độc hại lưu lại trong đại tràng càng lâu làm ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Khi nước trong chất thải bị hấp thu tiếp thì làm cho phân rắn lại rất khó đi ngoài. Theo bác sỹ Nguyễn Thị An, bệnh viện Bà Rịa, có nhiều nguyên nhân gây nên táo bón. Bác sỹ An cho biết: “Người cao tuổi có một số thay đổi như răng bị hư, cơ nhai bị teo, tình trạng co bóp của dạ dày cũng bị giảm theo độ tuổi, làm cho vấn đề ăn uống chất xơ của bệnh nhân gặp khó khăn. Cảm giác khát ở bệnh nhân cũng giảm đi, không còn khỏe để vận động nhiều. Một số bệnh nhân mắc một số bệnh mãn tính, khi đó họ phải uống một số loại thuốc để chữa trị bệnh đó, nên cũng ảnh hưởng đến táo bón”.
Táo bón thường xuyên sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu cho người cao tuổi. Phân và các chất cặn bã, chất  độc do các vi sinh vật trong đường ruột bài tiết ra không được tống ra theo phân mà đọng lại thời gian lâu  ở đại tràng, trực tràng, cơ thể hấp thu cùng với nước gây độc hại cho cơ thể làm cho người bệnh lúc nào cũng thấy mệt mỏi, lười ăn, chán ăn, thậm chí bỏ bữa. Bệnh hay gặp nhất của táo bón dài ngày là bệnh trĩ. Bệnh trĩ có hai loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là do sự giãn quá mức của đám rối tĩnh mạch trực tràng, hậu quả là mỗi lần đi ngoài ra máu tươi trong hoặc sau khi đi ngoài. Đôi khi búi trĩ thòi ra, không tự lên được mà phải dùng tay đẩy nó lên. Động tác đẩy búi trĩ lên bằng tay rất dễ gây nhiễm trùng nguy hiểm, đặc biệt là nhiễm trùng huyết. Táo bón cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm đại tràng mạn tính, ung thư đại tràng. Một số người bị tăng huyết áp mạn tính nếu bị táo bón thì khi đi ngoài phải rặn mạnh cũng có nguy cơ gây tăng huyết áp đột ngột, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng ngừa táo bón ở người cao tuổi

Ăn thức ăn có nhiều chất xơ.

Nguyên nhân gây ra táo bón thường gặp nhất là do ăn nhiều thức ăn tinh lọc, phân  ít.  Tổng lượng phân không đủ kích thích những thụ cảm ở thành ruột thẳng và cơ vòng hậu môn để tạo phản xạ đi cầu.  Do đó, cần ăn thức ăn có nhiều chất xơ.  Chất xơ có nhiều trong rau, quả, củ và ngủ cốc thô.  Chất xơ không những tạo thành chất bả mà còn kết dính những chất độc hại để đào thải ra ngoài, thu hút nước để tăng lượng phân, kích thích hoạt động của tế bào dịch nhầy ở thành ruột và tăng nhu động ruột.  Rau quả và ngũ cốc toàn phần không chỉ cung cấp nhiều chất xơ mà còn có hàm lượng cao những chất sinh tố, khoáng chất, chất chống oxy hoá có tác dụng bảo vệ tim mạch, phòng chống ung thư và nâng cao hệ miễn dịch. 

Một số người già ăn quá ít cũng dễ dẫn đến táo bón.  Trường hợp nầy nên ăn dậm thêm khoảng 2 hoặc 3 trái chuối mỗi ngày vào giữa buổi, cách xa các bửa ăn chánh, để cung cấp đủ lượng chất xơ cần thiết. Chuối không những có nhiều chất xơ mà còn có tỷ lệ potassium cao và nhiều vi chất khác có tác dụng giảm stress, cải thiện thành mạch máu và làm giảm nguy cơ áp huyết cao, đột quỵ.  Sữa chua hoặc các chế phẩm từ rong biển cũng là những món ăn được khuyến khích cho mọi trường hợp táo bón. Thông thường, chỉ cần cải thiện chế độ ăn là có thể chống táo bón.

Thể dục, vận động.

Hoạt động đi cầu cần sự phối hợp của nhiều nhóm cơ ở vùng bụng.  Do đó,  năng vận động thân thể để gia tăng nhu động ruột và gia tăng trương lực cơ sẽ giúp cải thiện hoạt động ở ruột già.  Cách vận động đơn giản nhất là đi bộ, đi khoảng 30 phút mỗi ngày. 
Đi từ chậm đến nhanh dần tùy theo điều kiện sức khỏe của mỗi người.  Ngoài ra, người già nên thường xoa bóp.  Có thể áp 2 bàn tay vào nhau xoa chậm xoay tròn chung quanh vùng rốn để vừa có tác dụng kích thích tiêu hoá ở dạ dày vừa gia tăng nhu động ruột ở vùng ruột già.  Mỗi ngày nên thực hành 2 lần, mỗi lần xoa từ 5 đến 10  phút.

Bài tập căng cơ, co đầu gối, ép sát đùi.

Thực hành bài tập căng cơ, nhíu hậu môn, co đầu gối, ép sát đùi sau đây có tác dụng tăng cường chức năng nội tạng ở vùng trung tiêu, tăng trương lực cơ, chống táo bón và những chứng yếu liệt các cơ vùng sàn chậu ở tuổi già như bệnh trĩ, són tiểu, suy nhược sinh dục, sa nội tạng.  Thực hành: Nằm thoải mái trên giường, phản hoặc trên sàn nhà.  Hít vào, từ từ co chân phải lên cao, cong gập đầu gối, 2 bàn tay ôm lấy 2 cổ chân phải để ép sát cẳng chân và bắp chân về phía thân người trong khi nhíu chặt hậu môn.  Thở ra trong khi chân và tay trở về vị trí ban đầu, buông lỏng toàn thân.  Hít vào và đổi sang chân trái với cùng động tác.  Luân phiên hít vào và thở ra, mỗi bên khoảng 10 lần.  Mỗi ngày có thể tập một hoặc hai lần.

Tạo thói quen đi cầu.

Hoạt động đi cầu là một hoạt động sinh lý có tính phản xạ thần kinh.  Do đó, cần bồi dưỡng thói quen đi cầu bằng cách đi cầu theo một giờ nhất định trong ngày.  Cũng vì lý do nầy, mỗi khi có cảm giác cần đi cầu, không nên nín nhịn.
---oooo0ooo---




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét