Trang

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

9. NHÀ THƠ ELIOT

Những người nổi tiếng trong thế giới nghệ thuật và giải trí (9)
BKTT WIKIPEDIA
-o0o
9. Nhà thơ Anh Thomas Steams Eliot
Để kỷ niệm Ngày thơ Quốc gia 8/10, người Anh đã tổ chức một cuộc thăm dò dư luận bình chọn thi sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử. Theo kết quả thu được trên cuộc bình chọn online của hãng BBC, trong con mắt ngườI Anh hiện nay, nhà thơ vĩ đại nhất của mọi thời là Thomas Steams Eliot (1888-1965), giải Nobel văn chương năm 1948.
Nhà thơ Anh – Mỹ này đã vượt xa nhà thơ siêu hình thời Trung Cổ John Donne (1572-1631) và thi sĩ Benjamin Zephaniah (sinh năm 1958, thành viên giáo phái Jamaica tôn sùng Ras Tafari như Chúa). Có một điều lạ là, những thi nhân vĩ đại được cả thế giới biết tới như William Shakespeare, George Byron và Robert thậm chí còn không có mặt trong top-ten của cuộc bình chọn này.
Thomas Steams (T.S) Eliot được biết tới ở Anh như một trong những thi sĩ theo chủ nghĩa hiện đại nổi bật nhất hồi đầu thế kỷ XX. Hoá ra là bao nhiêu năm trôi qua, tính hiện đại của ông vẫn còn là đương đại đối với độc giả ở đầu thế kỷ XXI.
T.S Eliot sinh ngày 26/9/1888 tại Saint Louis, Missouri (Mỹ), mất ngày 4/1/1965 ở London (Anh). T.S. Eliot sinh ra trong một gia đình cự phú và được giáo dục theo tinh thần Thanh giáo rất khắt khe. Năm 1906, ông vào Đại học Harvard học về triết học, tâm lý học và cả môn Đông phương học. Từ đó, ông sang Paris tiếp tục trau dồi học vấn và chuẩn bị cả một luận án tiến sĩ nhưng về sau đã không bảo vệ luận án này mà đi sâu vào sáng tác văn học.
Năm 1914, T.S. Eliot chuyển sang sống và làm việc ở Anh, làm nhiều nghề khác nhau, như nhân viên ở ngân hàng Lloyd, giáo viên, rồi làm giáo sư văn học và thậm chí làm cả giám đốc nhà xuất bản Faber & Gwyer (sau đổi thành Faber & Faber).
 T.S. Eliot bắt đầu sự nghiệp văn học với sự hỗ trợ đáng kể của nhà thơ, dịch giả kiêm phê bình gia người Mỹ  Erza Pound. Giữa T.S. Eliot với Pound có rất nhiều điểm tương đồng nên ông rất hay đăng thơ trong các tuyển tập của những người theo trường phái Hình tượng (Imagism). Trong cách nhìn của T.S. Eliot, thơ cổ điển và thơ lãng mạn chỉ là dòng thơ  ”dissociation of sensibility”, tức là tình cảm và lý trí trái ngược nhau. Tập thơ đầu tiên của ông là “Prufrock và những quan sát khác” (Prufrock and Other Observations, 1917) mang nặng ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng.
Những bài thơ có giá trị nhất trong giai đoạn đầu sáng tác của T.S. Eliot được đưa vào tập “Tình ca của Alfred Prufrock”, xuất bản năm 1917 và được người đương thời đánh giá như một bản tuyên ngôn Anh – Mỹ của chủ nghĩa hiện đại. Cũng trong năm 1917, T.S. Eliot làm trợ lý tổng biên tập cho tạp chí thuộc phái hình tượng “Người vị kỉ” (The Egoist).
Năm 1922, T.S. Eliot đã công bố tác phẩm quan trọng nhất của mình “Mảnh đất cằn khô” (The Waste Land) mà trong đó, ông đã nắm bắt trước được tâm trạng của “thế hệ bị đánh mất” ở nước Anh sau chiến tranh. Hình thức ngắt đoạn của trường ca này, lần đầu xuất hiện trên tạp chí “The Criterion” do Eliot sáng lập, càng làm tăng thêm ấn tượng về sự mất định hướng của con người….
Trong trường ca này cũng chứa đựng nhiều liên tưởng tới Kinh Thánh và tập “Thần khúc” của Dante. T.S. Eliot bắt đầu đăng thơ từ năm 1916 trong tạp chí văn học Mỹ The Little Review do Jane Heap và Margaret Anderson lập ra.
Ngoài thi ca, T.S. Eliot còn là một nhà soạn kịch tài năng và một nhà phê bình văn học sắc sảo. Ông đã giúp người đồng thời với ông tìm lại những giá trị thi ca của nhà thơ John Donne lúc đó đã gần như bị quên lãng cũng như của các nhà thơ cách tân mà trong đó ông đặc biệt đánh giá cao Andrew Marvell (1621-1678) và John  Webster (1578-1634).
T.S. Eliot viết phê bình văn học từ quan điểm thuần tuý mỹ học và gạt xuống hàng thứ yếu những khía cạnh thuộc về tiểu sử của tác giả. Năm 1928, ông viết tiểu luận “For Lancelot Andrewes đánh dấu một bước ngoặt mang tính tôn giáo. Cùng với tập thơ xuất bản năm 1930 là “Ngày đầy của tuần chay” (Ash Wednesday), tư tưởng tôn giáo bắt đầu hiện diện thường xuyên trong tất cả tác phẩm của ông.
Vở kịch “Vụ giết người trong nhà thờ” (Murder in the Cathedral, 1935) đánh dấu bước khởi đầu công việc thực sự của ông trong lĩnh vực sân khấu.
H6
Những năm 1949-1959, ông cho ra đời một loạt vở kịch. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, kịch của T.S. Eliot thường trau chuốt về ngôn từ, nhưng thiếu tính kịch nên khó diễn…
Năm 1927, T.S. Eliot đã gia nhập Anh giáo và nhận quốc tịch Anh. Những suy tư của ông đã được thể hiện qua trường ca “Môi trường tro” (1930) với phong cách cổ điển hơn những tác phẩm ông viết thời trẻ.
Sau khi William Butler Yeats qua đời (1/1939) và đặc biệt là sau khi công bố trường ca “Bốn khúc tứ tấu” (Four Quartets, 1945), T.S. Eliot lại càng trở nên danh giá như một nhà thơ Anh ngữ hàng đầu còn sống. Đôi khi ông, cũng như người bạn Erza Pound của mình bị người đời buộc cho cái tội bài Do Thái, nhưng khác với bạn mình, ông luôn luôn lớn tiếng bác bỏ điều này.
Những lá thư của ông, được công bố năm 2003, cho thấy, thực ra ông đã giúp rất nhiều cho những người tị nạn Do Thái chạy khỏi Áo và Đức sang cư trú chính trị ở Anh và Mỹ. Ông cũng ủng hộ việc thành lập quốc gia Israel. Ở thời điểm hiện nay, quan điểm công dân của ông không còn bị hoài nghi nữa.
Năm 1948, T.S. Eliot đã được trao giải thưởng Nobel văn chương nhờ “sự cách tân  tiên phong trong xây dựng nền thi ca hiện đại”, như trong lời tôn vinh của Ủy ban Nobel. Ông thực sự là người tác động đến sự phát triển của văn học và văn hóa phương Tây thế kỷ XX. Tập thơ “Khoa học thường thức về những chú mèo do ông già Possum viết nên” (Old Possum’s Book of Practical Cats) đã được nhà soạn nhạc lừng danh Andrew Lloyd Webber viết thành vở nhạc kịch rất ăn khách “Những chú mèo”.
Thơ ông, như đã được ghi nhận trên Wikipedia, “thường đi vào những chủ đề triết lý, phản ánh mâu thuẫn giữa thực tại và thế giới tinh thần, sự yên bình của tâm hồn và lo âu trong đời sống con người, sự chuộc tội của linh hồn qua thời gian…”. Ông cũng là người có đầu óc cách tân trong ngôn ngữ thơ và thi pháp, đấu tranh cho “thơ tự do”, thoát khỏi khuôn sáo của thơ đương thời.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét