Trang

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

18. NI TRƯỞNG KIỀU ĐÀM DI

Bước vào cõi Phật – Quyển 2 – Bài 18. Ni trưởng Kiều Đàm Di
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
18. NI TRƯỞNG KIỀU-ĐÀM-DI
1. Khi học lược sử đức Phật, chúng ta được biết rằng Ngài là con vua Tịnh- Phạn và hoàng hậu Ma-Da, thuộc họ Cồ-Đàm, bộ tộc Thích-Ca, thành Ca-Tì-La-Vệ. Bên cạnh vương quốc của bộ tộc Thích-Ca là vương quốc của bộ tộc Câu-Lị, do vua Thiện Giác trị vì. Hai vương quốc này vẫn giữ mối giao hảo với nhau từ lâu năm.
Em gái vua Tịnh-Phạn, tên là Cam-Lộ, là hoàng hậu của vua Thiện Giác, bà sinh ra công chúa Da-Du-Đà-La (công chúa có một người anh tên là Đề-Bà-Đạt-Đa).
Hai em gái vua Thiện Giác là Ma-Da và Kiều-Đàm-Di đều kết hôn với vua Tịnh-Phạn. Hoàng hậu Ma-Da sinh ra thái tử Tất-Đạt-Đa được bảy ngày thì mất. Thứ hậu Kiều-Đàm-Di trở thành hoàng hậu, lãnh trọng trách nuôi thái tử Tất-Đạt-Đa mà bà thương yêu như con của mình; như vậy là dì nuôi cháu. Sách kể lại rằng hai con của bà là hoàng tử Nan-Đà (sinh cùng năm với thái tử Tất-Đạt-Đa) và công chúa Tôn-Đa-Lị Nan-Đà được trao cho các bà vú chăm nom. Một tài liệu khác thì nói rằng bà nuôi cả cháu là Tất-Đạt-Đa và con là Nan-Đà.
Bà Kiều Đàm Di và Thái tử Tất Đạt Đa (Hình minh họa)
Thái tử Tất-Đạt-Đa thành hôn với công chúa Da-Du-Đà-La khi hai người cùng tuổi 16, đến năm 29 tuổi thì được một con trai, đặt tên là La-Hầu-La. Thái tử đi tu, 6 năm sau thì thành Phật.
2.  Mục đích của bài này là nói về bà Kiều-Đàm-Di. Khi bà mới sinh ra thì theo như tục lệ Ấn-Độ thời bấy giờ, các thày tướng số được mời đến coi cho bà. Họ tiên đoán rằng về sau bà sẽ cầm đầu một tổ chức lớn, vì thế tên bà mới có thêm chữ Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Đề; Ma-Ha nghĩa là lớn, Ba-Xà là một nhóm đông người và Ba-Đề là người cầm đầu. Vì vậy, tên đầy đủ của bà là: Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Đề Kiều-Đàm-Di.
Khi vua Tịnh-Phạn biết rằng đức Phật đã thành đạo thì ngài phái nhiều vị sứ thần đến thỉnh đức Phật về kinh đô Ca-Tì-La-Vệ, nhưng vị nào được nghe đức Phật thuyết pháp xong cũng xin xuất gia, không trở về cung! Vị cuối cùng tuy cũng làm như vậy nhưng còn nhớ lời dặn của nhà vua, nên thành khẩn xin Phật về thăm cha nay đã già yếu. Đức Phật nhận lời. Khi về đến kinh đô, Ngài cùng các đệ tử đi trì bình trên đường phố. Nhà vua nghĩ rằng làm như vậy là hạ uy tín của hoàng gia và tỏ ý không vui về việc này. Đức Phật khuyên giải vua cha và nhờ đó nhà vua đắc quả tu-đà-hoàn (nhập lưu). Nhà vua bèn thỉnh Phật và đoàn tùy tùng về cung trai tăng. Xong, đức Phật lại giảng pháp, nhà vua nghe xong thì đắc quả tư-đà-hàm (nhất lai). Vào lúc ấy, hoàng hậu Ba-Xà-Ba-Đề cũng có mặt, được nghe pháp và bà đắc quả tu-đà-hoàn (nhập lưu). Và sau khi được nghe một phần của kinh Trì pháp Túc sanh truyện, nhà vua đắc quả a-na-hàm (bất lai).
Về sau, khi hay tin nhà vua sắp băng hà, đức Phật về thuyết pháp cho nhà vua nghe lần chót và nhà vua đắc quả a-la-hán (bất sinh). Đức Phật chủ lễ trà tỳ của vua cha và lưu lại công viên Ni-Câu-Đà ở gần kinh đô Ca-Tì-La-Vệ ba tháng để hóa độ chúng sinh.
3.  Hoàng hậu Ba-Xà-Ba-Đề đến công viên Ni-Câu-Đà khẩn cầu đức Phật cho phép bà và phái nữ được xuất gia. Khi nói đến phái nữ thì người ta thường nhắc đến năm trăm phụ nữ, phu nhân của năm trăm vị vương tôn công tử dòng họ Thích-Ca đã xin xuất gia khi đức Phật trở về kinh đô, thi triển thần thông và thuyết pháp độ sanh. Khi nói năm trăm thì ta nên hiểu là số nhiều, không nên chấp là đếm đủ số năm trăm. Ngoài ra, có tài liệu nói rằng trong số năm trăm này có cả các góa phụ của các chiến sĩ tử trận trong cuộc chiến giữa hai bộ tộc Thích-Ca và Câu-Lị khi tranh chấp về việc sử dụng nước sông Rohinī  ngăn cách hai nước. Đức Phật từ chối dù rằng dì mình, mà cũng là mẹ nuôi của mình, khẩn cầu đến ba lần. Những người không biết hết các chi tiết về quan niệm và thái độ của đức Phật đối với phụ nữ có thể nghĩ rằng Ngài từ chối vì còn nhiều e dè, chưa coi trọng vai trò của phụ nữ, nhưng thật ra không phải như vậy!
Sau đó đức Phật trở lại thành Tì-Xá-Li (còn gọi là thành Quảng Nghiêm, kinh đô vương quốc Bạt-Kỳ của bộ tộc hùng mạnh Lê-Xa), ngài ngụ trong tu viện Trùng Các thuộc rừng Đại Lâm.
4.  Dù đức Phật từ chối lời khẩn cầu của mình ba lần, bà Ba-Xà-Ba-Đề cũng không nản chí, bà cùng các phu nhân còn giữ ý định xuất gia, quyết định bỏ mọi thứ xa hoa, đồ trang sức và y phục lịch sự, rồi xuống tóc, khoác y vàng, đi chân không. Tất cả coi thái hậu Ba-Xà-Ba-Đề là thủ lãnh của họ. Rồi mọi người cương quyết cùng đi bộ từ thành Ca-Tì-La-Vệ đến thành Tì-Xá-Li (hành trình khoảng hai trăm cây số, kéo dài rất nhiều ngày). Trong số các mệnh phụ phu nhân muốn xuất gia, có cả công chúa Da-Du-Đà-La; nhưng thái hậu khuyên nên ở trong cung chờ coi tin tức ra sao đã. Cuối cùng, sau bao nhiêu ngày vất vả, xin ăn dọc đường, nghỉ dưới gốc cây, đoàn người tới được Đại Lâm, mệt mỏi suy yếu, áo quần lấm bụi, bàn chân rướm máu, đứng đợi ngoài tu viện của đức Phật.
Sáng sớm hôm ấy, ngài A-Nan vừa ở trong tu viện ra ngoài thì trông thấy thái hậu và đoàn người đứng ở ngoài cổng. Trước sự ngạc nhiên của ngài, thái hậu giải thích cho ngài biết mục đích và quyết tâm của đoàn phụ nữ và cầu xin ngài bạch với đức Thế tôn chấp thuận cho đoàn phụ nữ được xuất gia.
Tôn giả A-Nan nhận lời và vào tu viện trình với đức Phật, xin đức Phật chấp thuận cho thái hậu và đoàn phụ nữ được xuất gia. Đức Phật không chấp thuận. Tôn giả A-Nan bạch:
- Bạch Thế Tôn, nếu người phụ nữ từ bỏ đời sống gia đình, sống không nhà cửa, tu theo giáo pháp và giới luật thì có thể chứng được bốn thánh quả tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, a-na- hàm và a-la-hán hay không?
- Này A-Nan! Người nữ xuất gia cũng có thể chứng ngộ bốn thánh quả.
Nghe như vậy, tôn giả A-Nan cố gắng trình bày mọi lý lẽ để xin cho thái hậu và đoàn phụ nữ được xuất gia. Đức Phật trả lời rằng Ngài sẽ chấp thuận cho quý bà xuất gia làm tì- kheo-ni nếu như chịu chấp thuận tám điều  mà sau này kinh sách gọi là bát kính pháp hay bát kính giới, tóm tắt như sau:
1/ Một vị tì-kheo-ni phải cung kính đứng dậy và chào hỏi một vị tì-kheo, dù rằng có lớn hơn cả về tuổi đời lẫn tuổi đạo.
2/ Hàng năm, đến mùa an cư, ni chúng  phải tìm đến nơi an cư của chúng tì-kheo để nương tựa và học hỏi.
3/ Đến kỳ bố tát, ni chúng  phải cử người đến xin chúng tì-kheo định ngày giờ và cử người sang giáo huấn và khuyến khích việc tu học của ni chúng.
4/ Kết thúc kỳ an cư, mỗi tì-kheo-ni phải thọ lễ tự tứ trước tăng chúng tì-kheo và ni chúng. 
5/ Khi phạm giới luật, vị tì-kheo-ni phải sám hối trước tăng chúng và ni chúng.
6/ Những sa-di-ni đã thọ giới thức xoa- ma-na hai năm phải cầu xin thọ đại giới trước cả hai chúng tăng và ni. 
7/ Tì- kheo- ni không bao giờ được khiển trách hay nặng lời với một tì-kheo.
8/ Tì-kheo-ni không được vạch lỗi của tì-kheo nhưng tì-kheo được vạch lỗi của tì-kheo-ni.
[Có người nghĩ rằng tám điều này có vẻ kỳ thị nữ giới. Nhưng chúng ta phải đặt mình vào xã hội Ấn-Độ 25 thế kỷ trước đây: vào lúc mà địa vị của người phụ nữ hết sức thấp kém, vào lúc mà phân chia giai cấp hết sức nặng nề thì chấp thuận cho phụ nữ xuất gia là một việc cách mạng xã hội, không thể khinh xuất được, phải chuẩn bị điều kiện xã hội và tâm lý quần chúng. Bát kính pháp chính là cách mở cửa cho phụ nữ gia nhập giáo đoàn. Chính thái hậu Ba-Xà-Ba-Đề cũng công nhận như vậy].
5. Khi thái hậu được tôn giả A-Nan báo tin thì bà hoan hỉ chấp thuận tuân hành “nghiêm trì bát kính pháp và nguyện trọn đời không vi phạm. Sau đó bà xuất gia. Bà đến trước đức Phật và đảnh lễ. Đức Bổn sư thuyết giảng cho bà một thời pháp và ban truyền cho bà một đề mục hành thiền. Bà chứng đắc đạo quả a-la-hán. Sau, năm trăm vị phu nhân khác cũng được gia nhập ni đoàn. Đó là các tì-kheo-ni đầu tiên của giáo đoàn. Các bà cũng đắc quả a-la-hán khi ngài trưởng lão Nandaka chấm dứt một thời pháp cho các bà”.
Đức Phật Thích-Ca là vị giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã cho thành lập một nữ đoàn thể bao gồm các vị xuất gia với đầy đủ giới luật và tổ chức nghiêm minh. Cánh cửa đã rộng mở để cho hàng phụ nữ được xuất gia, đặc ân cho phái nữ gia nhập một Giáo Hội Nữ Tu Sĩ đã được ban hành. Nhiều bà, cỡ tuổi khác nhau, điều kiện xã hội khác nhau, từ các địa phương khác nhau, đã gia nhập Giáo Hội và ngay từ thời đức Phật còn tại thế, có cả ngàn vị tì-kheo-ni đắc quả a-la-hán. Trong kinh Trưởng Lão Ni Kệ, các vị tì- kheo-ni này đã viết ra “những lời tán dương, những bài thánh thi để nói lên mức độ phỉ lạc mà các bà đã kinh nghiệm trong khi xuất gia và sau đó khi thành đạt kết quả”.
Các vị tỳ-kheo-ni (Hình minh họa)
6.  Thái hậu Ba-Xà-Ba-Đề trở thành Ni sư Ma-Ha Ba-Xa-Ba-Đề Kiều-Đàm-Di, được đức Phật giao phó trách nhiệm ni trưởng để lãnh đạo ni đoàn. Như vậy là có hai hội chúng tồn tại song song. Bên Tăng Bộ có hai vị Đại trưởng lão là hai tôn giả Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên. Bên Ni Bộ cũng có hai ni sư trưởng là Khemā và Uppalavannā.
Ni sư trưởng Kiều-Đàm-Di lo mọi chi tiết không những trong việc tu học mà còn cả về nhiều phương diện khác như cách ăn mặc của ni chúng chẳng hạn. Bà vận động các thí chủ xây dựng các ni viện; nhờ uy tín của bà mà ni viện dần dần được thành lập tại nhiều nơi. Có một chi tiết mà chúng ta nhận thấy là các ni viện không bao giờ được tạo dựng nơi rừng vắng; đó là nhằm bảo vệ cho các phụ nữ yếu đuối.
Như trên đã ghi, ni sư đã được đức Phật trực tiếp giảng dạy giáo pháp và giáo hạnh, và đã đắc quả a-la-hán. Tất cả chư ni cùng xuất gia với bà cũng chứng quả a-la-hán cả, trong số đó có bà Da-Du-Đà-La là người gia nhập ni đoàn sáu tháng sau khi ni đoàn được thành lập. Có một chi tiết nói rằng: một số ni đã nêu ra vấn đề thọ giới của ni sư Kiều-Đàm-Di không được tiến hành theo đúng quy tắc nên từ chối dự lễ bố tát với ni sư. Đức Phật phải đích thân can thiệp, tuyên bố rằng Ngài là người đã truyền giới cho ni sư. Mọi chuyện nhờ đó được êm đẹp.
Theo kinh Trưởng Lão Ni Kệ thì: Khi ni sư trưởng Kiều-Đàm-Di được 120 tuổi thì bà biết mình sắp tịch diệt. Bà nghĩ: “Nay đã  đến thời ta nhập Bát-niết-bàn, không chứng kiến được việc Đại-bát-niết-bàn của đức Thế Tôn, việc Bát-niết-bàn của hai vị đại đệ tử, của La-Hầu-La, A-Nan và Nan-Đà, ta cần phải xin phép đức Phật”. Năm trăm vị tỳ-kheo- ni cũng có suy nghĩ tương tự.
Các tín nữ biết tin ni sư sắp nhập Bát-niết-bàn thì tỏ ra sầu muộn, bà và chư ni khuyên giải họ rồi cùng đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ Ngài và xin Ngài cho phép nhập Bát-niết-bàn. Bà nói: “Kính bạch bậc Cao Quý của thế gian, thông thường các phụ nữ gây nên những lỗi lầm rồi mệnh chung, nếu con có lỗi lầm gì, xin Ngài từ bi tha thứ”.
Kế đó, bà trình bạch việc nhập Bát-niết-bàn trước chư tăng, rồi đảnh lễ tôn giả La-Hầu- La, tôn giả A-Nan, tôn giả Nan-Đà. Tôn giả Nan-Đà và La-Hầu-La là bậc đã ly sầu, hiểu rõ các pháp hữu vi là vô thường. Riêng tôn giả A-Nan còn là bậc hữu học nên ràn rụa nước mắt, bà phải ngỏ lời an ủi.
7.   Đức Phật dạy: “Một số người còn nghi ngờ khả năng của phụ nữ tu thành quả vị a -la-hán. Nay đã đến lúc bà nên thi triển thần thông cho họ thấy để mà từ bỏ tà kiến”. Ni sư vâng lời, bay lên không, thi triển nhiều phép thần thông, hiện một thân thành nhiều thân, nhiều thân thành một thân, xuất hiện, biến mất, đi qua tường, đứng trên không vv ... cho đại chúng thấy rồi hạ xuống đất, đảnh lễ bậc Đạo Sư. Các ni đồ chúng của trưởng lão ni cùng nhau bay lên hư không, trổ uy lực thần thông rồi từ hư không hạ xuống đất, đảnh lễ đức Đạo Sư, xin Ngài cho phép nhập Bát-niết-bàn. Đức Phật nói: “Này các tì-kheo-ni, khi các vị ngỏ lời xin Bát-niết-bàn, Như Lai còn gì để nói, nay các vị hãy làm những gì nghĩ là hợp thời”.
Sau đó, Ni trưởng và chư ni phủ phục dưới chân bậc Đạo Sư, diện kiến lần cuối rồi lui về tịnh xá. Các ngài cùng nhập Bát-niết-bàn, yên lặng như ngọn đèn hết dầu.
Đám tang rất trọng thể, tôn nghiêm. Đức Phật xưa nay không bao giờ đi sau ai cả, thế mà trong đám tang này, Ngài đi sau cỗ xe chở quan tài của ni trưởng Kiều-Đàm-Di. Rõ ràng là Ngài, vị Thiên Nhân Sư, đấng Thế Tôn, đã làm tròn chữ hiếu đối với người mà Ngài coi là mẹ ruột của mình.
Nhục thể được thiêu trên hỏa đài đầy bột thơm, chỉ còn lại xá-lợi. Đức Phật dạy tôn giả A- Nan nhặt xá-lợi của ni sư đặt vào bát của bà, ngài A-Nan tuân lời rồi dâng bát lên đức Phật. Ngài cầm bát đựng xá lợi và phán rằng: “ … Trưởng lão ni Kiều-Đàm-Di đã vượt qua biển luân hồi, đã đoạn trừ nhân phiền não, trở thành bậc an tịnh. Kiều-Đàm-Di là bậc hiền trí, bậc đa tuệ, bậc quảng tuệ và là bậc kỳ cựu trong hàng ni chúng …”
Cái quyền lớn và đặc ân mà bà Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Đề đã tranh đấu và thành công, tức quyền của nữ giới được gia nhập Giáo Hội Thánh Thiện, quả là quan trọng trong lịch sử tôn giáo. Chí đến ngày nay còn nhiều hệ thống tôn giáo hưng thạnh trên thế giới chưa chịu nhượng quyền cho hàng phụ nữ thọ giới tu sĩ … Đức Phật nổi bật là một trong số ít các vị giáo chủ của nhân loại đã nâng cao hàng phụ nữ lên một vị trí xứng đáng trong đời sống, bằng cách cho phép nữ giới gia nhập vào Giáo Hội Tỳ-Kheo-Ni và như vậy, mở ra một chương sách hoàn toàn mới trong lịch sử giải phóng của người phụ nữ. (theo HT Nārada)
8.  Ngày nay, trong các nước theo Phật giáo Nam tông, không thấy có ni đoàn tuy rằng người ta thấy sự hiện diện của một số nữ tu. Lý do có lẽ như thế này: khi người Hồi giáo xâm lăng Ấn-Độ thì tăng ni bị sát hại nhiều, một số chạy được ra nước ngoài. Số ni sư chạy thoát không có bao nhiêu, tản mác nhiều nơi; rồi theo thời gian, mất đi mà không có kế thừa! Trong những năm gần đây, tại Tích Lan, đang có sự vận động tái lập ni đoàn.
 Trong các nước theo Phật giáo Bắc tông, thì hiện thời vẫn có các vị ni sư trưởng, các ngài có thể truyền giới cho đệ tử theo đúng quy luật của nhà Phật vì thế mà vẫn có ni đoàn. □
                                               TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đức Phật và Phật pháp, tác giả Nārada Mahā Thera, dịch giả Phạm Kim Khánh; liên lạc Chùa Kỳ Viên, Washington DC 20011, USA.
Ở trang 161 sách này, có một đoạn đại khái như sau đây: “Một lần nọ, đại đức Ānanda đến hầu đức Phật và bạch:
- Bạch hóa đức Thế Tôn, chúng con phải đối xử với nữ giới như thế nào?
- Này Ānanda, coi như không trông thấy.
- Nhưng đã thấy rồi thì chúng con phải làm thế nào?
- Này Ānanda, không nên nói chuyện.
- Nhưng nếu được hỏi thì chúng con phải làm như thế nào?
- Này Ānanda, phải cẩn thận đề phòng, giữ vững chánh niệm.
Đức Phật muốn nhắc nhở các tỳ-khưu luôn luôn phải thận trọng mỗi khi có việc liên quan đến nữ giới”.
2. Lời Vàng Bậc Thánh, Sớ giải Trưởng Lão Ni Kệ, Tỳ-Khưu Thiện Phúc. Coi bài: Kệ ngôn của Trưởng lão ni Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Đề Kiều-Đàm-Di. Tìm trong internet: BuddhaSasana, Bình Anson, phần tiếng Việt.
3. Le Bouddha, Sa Doctrine, Sa Communauté, tác giả là người Đức H. Oldenberg, bản dịch tiếng Pháp của A. Foucher, Librairie Félix Alcan xb, Paris, 1921.  Ở trang 163 sách này, tác giả chép một đoạn lấy trong Cullavagga, X,1 liên quan đến việc đức Phật nghĩ về phụ nữ gia nhập giáo đoàn như sau: “ - Si, ô Ānanda, dans la doctrine et dans l’ordre que le Parfait a fondés, il n’avait pas été accordé aux femmes de quitter leurs foyers pour mener une vie errante, la vie sainte, ô Ānanda, serait demeurée longtemps observée: la pure doctrine serait maintenue pendant mille ans. Mais parce que, ô Ananda, dans la doctrine et dans l’ordre que le Parfait a fondés, les femmes renoncent au monde et embrassent la vie errante, désormais, ô Ānanda, la vie sainte ne demeurera plus longtemps observée: la doctrine de la vérité ne se maintiendra plus à présent que cinq cents ans”.
Trang 164: “Quand le Maĩtre meurt, aucune femme d’entre ses disciples ne l’assiste; on fait même reproche à Ānanda d’avoir laissé approcher du corps du Bouddha des femmes dont les larmes souillèrent le cadavre”.
Nếu chỉ coi hai đoạn trích trên đây, độc giả có thể hiểu lầm về quan điểm của đức Phật đối với phụ nữ. Sự thật, không phải là Ngài có ý “kỳ thị” nữ giới. Mời độc giả coi cuốn Phật Giáo Nhìn Toàn Diện của Piyadassi Mahā Thera, nguyên tác Anh ngữ là The Spectrum of Buddhism, do Phạm Kim Khánh dịch ra tiếng Việt, Nārada Center, P.O. Box 1673, Lynnwood, WA 98046, USA, 1995; sách ấn tống, không bán.
4. Mười Vị  Đệ Tử Lớn của Đức Phật, tác giả: Tinh Vân Pháp sư, cư sĩ Hạnh Cơ dịch và soạn thêm phần Phụ lục, Chùa Liên Hoa, Hội Cư sĩ Phật Giáo Orange County xb, 2005.
5. From the Sutras: Life Stories of the Historical Bikshunis. Tìm trong internet:  geocities.com/zennun12_8.
6. Women of The Way, tác giả là Sallie Tisdale, HarperSanFrancisco, USA, 2006. Tác giả nguyên là một nữ tu sĩ Phật giáo.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét