Bước vào cõi Phật –
Quyển 2 – Bài 17. Tôn giả La Hầu La
Cố
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o-o-
17. Tôn giả La Hầu La
1. Đạo hữu Tuệ Bảo Vũ Văn
Thái đã cho tôi một bản Essence of
Tipitaka của U Ko Lay. Khi đạo hữu Thiện Nhựt Huỳnh Hữu Hồng dịch cuốn sách
ấy, lấy tên là Tìm hiểu sơ lược về Tam Tạng
thì có cho tôi một bản. Cuốn sách này ghi lại đầu đề của một số trong Tam Tạng Nam Tông và tóm tắt từng cuốn một, mỗi cuốn
trung bình mươi dòng. Tôi hết sức cám ơn hai đạo hữu Tuệ Bảo và Thiện Nhựt đã
cho tôi một tấm bản đồ gọn ghẽ và chính xác về Tam Tạng, nhờ đó tôi biết được
kinh nào nói về vấn đề gì.
Khi lật từng trang, tới Trung Bộ
Kinh, tôi đọc được tên ba kinh là Kinh
Giáo Giới La-Hầu-La ở rừng Am-bà-la, Đại Kinh Giáo Giới La-Hầu-La và Tiểu Kinh
Giáo Giới La-Hầu-La. Tôi biết ngài La-Hầu-La là con duy nhất của đức Phật
và là một trong mười đại đệ tử của đức
Phật – bậc mật hạnh đệ nhất – cho nên
tôi tò mò muốn biết ngay xem đức Thế Tôn dạy chính con ngài ra sao. Kinh thứ nhất
nói về việc “không được nói dối và phải thực tập thanh lọc thân tâm” (khi ấy
sa-di La-Hầu-La mới có bảy tuổi). Kinh thứ nhì giảng về “phép quán hơi thở” và
giảng thêm về “tứ đại” (khi ấy sa-di đã mười tám tuổi). Và kinh thứ ba nói về
18 giới và tính vô thường của chúng.
Do nhân duyên ấy mà tôi muốn tìm hiểu thêm về tôn giả La-Hầu-La.
2. Chúng ta biết rằng vua
Tịnh-Phạn và hoàng hậu Ma-Da là thân phụ và thân mẫu của thái tử Tất-Đạt-Đa.
Khi thái tử 16 tuổi thì ngài thành hôn với công chúa Da-Du-Đà-La (một người em
con cô con cậu). Cho đến năm hai người cùng ở tuổi 29 thì công chúa hạ sanh một
con trai đặt tên là La-Hầu-La.
Theo sách vở, khi thái tử Tất-Đạt-Đa đi ra ngoài hoàng cung, ở bốn cửa
thành, ngài lần lượt thấy cảnh người ốm, người già, người chết và một nhà tu
dáng dấp ung dung tự tại. Ngài nhận thấy “cuộc đời đầy khổ đau” và từ đó ngài nảy
ra ý định đi tu, tìm đường giải thoát cho chúng sinh khỏi mọi khổ đau. Người ta
có kể một chi tiết: khi được tin công chúa sinh con trai, ngài đã thốt lên rằng
“lại thêm một trói buộc”; chữ trói buộc này tiếng pali là rāhula, cho nên vua Tịnh-Phạn đặt tên cháu nội sơ sinh là Rāhula, phiên âm thành La-Hầu-La (1).
Sau khi có con, thái tử quyết định xuất gia. Đêm khuya, ngài vén màn nhìn vợ
con, rồi cương quyết lên ngựa ra khỏi hoàng cung, đi tìm đường cứu chúng sinh.
Đối với một người phàm thì có thể nghĩ rằng ngài không thương vợ con, nhưng đối
với một vị siêu phàm thì cứu chúng sinh là cứu luôn vợ con, thân quyến (2). Chú
bé La-Hầu-La, thiếu cha, nhưng được thân mẫu chăm sóc, che chở, dạy dỗ. Vương
phi Da-Du-Đà-La, vắng chồng, tìm nguồn an ủi nơi con trai duy nhất.
3. Sau sáu năm tu hành, do
cố gắng của riêng ngài, thái tử Tất-Đạt-Đa thành Phật. Ngài thuyết pháp độ
sinh, thành lập tăng đoàn, nhiều người đến quy y. Vua Tịnh-Phạn biết tin ấy,
cho người thỉnh ngài từ nước Ma-Kiệt-Đà về thăm cố hương tức thành Ca-Tì-La-Vệ.
Nhà vua, quần thần, dòng họ Thích-Ca cùng dân trong thành nô nức đi đón, chỉ có
bà Da-Du-Đà-La và La-Hầu-La là ở nhà. Khi thấy đoàn người tới gần, bà chỉ cho
con: “Trong số các thày sa-môn kia, người trang nghiêm nhất là thân phụ của con
… Con hãy theo mà xin tài sản của con” …
Đức Phật nói với ngài Xá-Lỵ-Phất: “ La-Hầu-La theo ta xin gia tài. Ta không
muốn cho y thứ tài sản và hạnh phúc mong manh. Ta muốn cho y của báu vô giá.
Ông hãy cho y xuất gia, làm sa-di đầu tiên của tăng đoàn”.
4. Từ đó, chú bé 7 tuổi
La-Hầu-La gia nhập tăng đoàn, đệ tử của trưởng lão Xá-Lỵ-Phất. Chúng ta hiểu được
những khó khăn về mọi mặt của chàng vương tôn công tử bất ngờ đi vào sống trong
kỷ luật của tăng đoàn. Do chưa hết tính nghịch ngợm của con nít nên chú hay lấy
trò dối gạt người khác làm vui! Thí dụ ai hỏi chỗ đức Phật ở để đến thăm thì
chú ta chỉ ra nơi khác! Biết chuyện này, đức Phật dạy chú, việc này đã được ghi
trong kinh mà tôi xin ghi ra đây:
“…Thấy đức Phật từ xa đến, sa-di La-Hầu-La dọn dẹp chỗ ngồi và để sẵn nước
cho đức Phật rửa chân. Đức Phật chừa lại một ít nước trong thau và hỏi:
- La-Hầu-La, con có thấy còn lại một chút nước trong thau không?
- Bạch đức Thế Tôn, dạ, con thấy.
- Cùng thế ấy, La-Hầu-La, đời sa-di quả thật không có nghĩa lý gì nếu còn
nói dối mà không biết hổ thẹn.
Rồi đức Thế Tôn tạt hết nước trong thau ra và dạy:
- Đời sa-di quả thật như bỏ đi, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn.
Rồi đức Phật lật úp cái thau xuống và dạy:
- Đời sa-di quả thật bị đảo lộn nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn.
Cuối cùng đức Phật lật cái thau trở lên, để ngay ngắn và dạy:
- Đời sa-di quả thật trống không và vô vị nếu còn nói dối mà không biết hổ
thẹn. Với người nói dối mà không biết hổ thẹn, Như Lai tuyên bố, không có điều
tội lỗi xấu xa nào mà người ấy có thể không làm. Do đó, La-Hầu-La, con phải cố
gắng lập tâm quyết định: Dầu trong lúc chơi đùa, tôi cũng không nói dối …”
Từ đó sa-di trở thành một con người mới.
5. Tội nghiệp chú sa-di nhỏ
tuổi, từ bỏ đời sống nhung lụa trong hoàng cung, ngày ngày theo trưởng lão Xá-Lỵ-Phất
cầm bình bát đi khất thực, nhưng vì còn ít tuổi, đi sau đoàn, nên chỉ nhận đồ
cúng dàng cơm rau ít ỏi. Đức Phật hỏi tại sao nét mặt sa-di không được vui,
sa-di tình thực thưa rằng ăn không đủ, đói bụng không an tâm tu hành được! Ngài
an ủi và hiểu tình cảnh của sa- di. Ngài nói với trưởng lão Xá-Lỵ-Phất nên chú
ý đến các sa-di khi họ theo đi khất thực.
Ngài Xá-Lỵ-Phất hiểu ý của Thế tôn. Từ đó ngài thường san sẻ cơm cho chú sa-di.
Sống trong tăng đoàn, tuy được mọi người quý vì là con Phật, nhưng La-Hầu-La
vẫn phải giữ đúng kỷ luật như mọi người. Ông được tỳ-kheo quản lý chia cho một
phòng, sáng dạy phải xếp đồ dùng gọn ghẽ, quét phòng và quét vườn cho sạch sẽ.
Sau đó tu tập và đi nghe Phật thuyết pháp. Có một hôm, chiều về thì thấy có một
vị khách tăng ở trong phòng của mình, đồ đạc riêng thì bị bỏ ra ngoài. Vì phải
kính trọng tỳ-kheo nên sa-di La-Hầu-La không dám nói gì. Trời sắp tối lại đổ
mưa nên sa-di chỉ còn có cách vào trú trong nhà vệ sinh, tuy hôi hám nhưng còn
tránh được mưa. Do tu tập đã tiến bộ, sa-di không oán trách ai cả, giữ được nhẫn
nhục trong hoàn cảnh này. Bỗng một con rắn độc vì bị ngập nước nên bò vào nhà vệ
sinh. Đức Phật do thiên nhãn, biết sự nguy hiểm, bèn tới nhà vệ sinh ra lệnh
cho sa-di ra ngay. La-Hầu-La quỳ bên chân Phật, nước mắt pha lẫn nước mưa. Sau
khi biết lý do tại sao La-Hầu-La lại ở trong nhà vệ sinh, ngài dạy sa-di về
phòng ngài. Từ đấy, do lòng thương của ngài, ngài quy định cho phép các sa-di
có thể được ngủ nhờ trong phòng tỳ- kheo hai đêm. Vì thế mà thỉnh thoảng ngài
Xá-Lỵ-Phất gọi sa-di La-Hầu-La qua phòng ngài, nhờ đó sa-di được học hỏi nhiều
từ ông thầy đỡ đầu của mình. (3)
6. Khi lớn lên, La-Hầu-La
tu hành rất nghiêm chỉnh. Đại kinh Giáo
Giới La-Hầu-La (Trung bộ kinh) cho biết rằng đức Phật thuyết giảng kinh tại
thành Xá-Vệ, cho La-Hầu -La (lúc đó đã 18 tuổi) về năm uẩn. Tôn giả Xá-Lỵ-Phất
chỉ dạy thêm về phép quán hơi thở. Đức Phật nêu các ích lợi của phép tùy tức
(quán hơi thở ra, thở vào).
Làm đúng theo lời dạy của đức Phật, La-Hầu-La chuyên chú hành thiền và
không bao lâu, khi nghe Tiểu Kinh Giáo Giới
La-Hầu-La thì đắc quả a-la-hán. Bản kinh này đuợc Phật thuyết giảng trong khu rừng
Andhavana, gần tịnh xá Kỳ Viên, xứ Xá-Vệ cho tỳ-kheo La-Hầu-La, nay đã sẵn sàng
hấp thụ đại pháp. Bằng lối vấn đáp, đức Phật đã hướng dẫn tỳ-kheo La-Hầu-La
phân tích sáu căn, sáu trần và sáu thức, nhận rõ tính cách vô thường của chúng,
khiến cho tỳ-kheo diệt trừ được các lậu hoặc và chứng ngay quả vị a-la-hán. (4)
H3
Coi mấy dòng ngắn trên đây, chúng ta không nên hiểu rằng tôn giả La-Hầu-La
đắc quả một cách đơn giản như vậy. Thật ra, đây là một quá trình tu tập lâu dài
và kiên quyết. Có một tỳ-kheo đã hỏi đức Phật rằng:
- Bạch Thế tôn, tỳ- kheo La-Hầu-La nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành,
không phạm một lỗi nhỏ; vì muốn cầu khai ngộ, thày đã tận tình buông bỏ vậy mà
tại sao thày vẫn chưa đoạn trừ hết phiền não, giải thoát hoàn toàn ?
Đức Phật đáp: - Giữ giới tịnh tâm, giữ thân đoan chánh, nhất định có thể dứt
sạch ô nhiễm, nhất định dần dần chứng quả.
7. Một ngày kia, sau khi
đi khất thực về, đức Phật đến chỗ La-Hầu-La đang tọa thiền, dạy rằng: - Nên dùng sức đồng thể đại bi, lòng từ vô
duyên để đối xử với người và việc, tâm lượng rỗng rang có thể dung nạp tất cả
chúng sanh, mới có thể diệt ác; đếm hơi thở quán tâm, có thể đạt được giải
thoát.
La-Hầu-La từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ Phật và thưa: - Bạch thế tôn, phiền
não con đã hết, con đã chứng ngộ xong.
Đức Phật vô cùng hoan hỉ, ngài nói: - Trong các đệ tử của ta, tỳ-kheo La-Hầu-La
là bậc mật hạnh đệ nhất.
(Gọi là mật hạnh, nghĩa là trong
ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, La Hầu La đều biết hết, làm được hết. La-Hầu-La
chỉ im lặng tu tập, không màng tranh đua với thế gian, tính tình nhu thuận,
không sốc nổi) (5).
Trong sách Đức Phật và Phật Pháp,
HT Narada đã viết: “ Mười bốn năm sau khi đức Phật thành đạo, sa-di La-Hầu-La
thọ cụ túc giới, xuất gia tỳ-kheo. Ngài viên tịch trước đức Phật và đức Xá-Lỵ-Phất.
(Có thuyết khác nói rằng khi đức Phật nhập diệt thì ngài La-Hầu-La quỳ bên giường).
Ngài nổi tiếng là người rất tôn trọng kỷ luật”.
Mấy câu sau đây (được xem là của ngài La-Hầu-La) trích trong Theragāthā và Therigāthā là hai cuốn kinh
tập trung các bài thơ kệ chứng đạo ca của các bậc tỳ-kheo cao cấp và tỳ-kheo-ni
cao cấp:
“Ta không còn trở lại trên thế gian nữa,
A-la-hán, ta xứng đáng nhận lãnh lòng tôn kính cúng dường của nhân loại,
Chúng sanh bị lục dục ngũ trần làm mù quáng,
Những khát vọng của cơ thể vật chất bao trùm lên chúng sanh như một màng lưới
kín,
Chúng sanh bị bao phủ trong tham ái, không khác nào cá nằm trong rọ,
Nhưng ta nay đã xây lưng, không còn nghe tiếng gọi của ngũ trần,
Đã cắt đứt và phá vỡ mọi thằng thúc,
Đã tận diệt tham ái, bứng tận gốc rễ,
Giờ đây ta mát mẻ, thanh bình, an lạc,
Bao nhiêu lửa đã bị dập tắt.”
CHÚ THÍCH.
(1) Trong sách Đức Phật và Phật Pháp của HT Narada, do Phạm
Kim Khánh dịch, chúng tôi thấy chú thích : “Rāhula có nghĩa là bị buộc hay bị cột
(la) bởi một sợi dây (rāhu)”. Chúng tôi nghĩ rằng mấy chi tiết ấy về tên Rāhula
không hợp lý lắm nên tìm thêm. Tự Điển Phật
Học Hán Việt cho biết: “Ngài sinh ra vào lúc sao La-Hầu-La A-Tu-La-Vương
che lấp gây thành nguyệt thực nên gọi ngài là La-Hầu-La”.
Cuốn Dictionnaire Encyclopédique du Bouddhisme của Philippe Cornu thì cho
biết rằng thái tử sinh nhằm ngày nguyệt thực hay nhật thực (tên của vị thần tạo
ra nhật nguyệt thực là Rāhula). Khi vua Tịnh-Phạn cho người đi báo tin mừng cho
thái tử Tất-Đạt-Đa, thái tử than: “Một trói buộc, một trở ngại đã đến với ta
(rāhula là trói buộc)”. Người đưa tin về tâu vua, vua đặt tên cháu đích tôn là
La-Hầu-La.
(2) Có nơi nói thái tử xuất gia ngay sau khi có con, tài liệu khác thì cho
rằng khi La-Hầu-La được 7 ngày thì thái tử mới xuất gia. Sách Đường Xưa Mây Trắng của Nhất Hạnh (Lá Bối
xb, San Jose, CA, USA), chương 11 và 12, kể nhiều chi tiết khác, thí dụ như:
chính công chúa Da-Du-Đà-La ra lệnh cho người giữ ngựa Xa-Nặc lo ngựa cho chồng
rời bỏ hoàng cung. Cuối sách, sau “Lời tác giả”, có thấy ghi rõ chương nào dựa
vào những kinh nào. Tác giả dùng tên người
và tên xứ bằng tiếng pali và không để dấu trên các chữ pali đó.
(3) Hai truyện Khất thực và Rắn vừa kể được rút từ sách Thập Đại Đệ Tử của HT Thích Tinh Vân,
Như Đức dịch, ấn tống 1997.
(4) Những điều tóm tắt này được rút trong bản dịch của đạo hữu Thiện Nhựt
như đã ghi ở đầu bài nói này.
(5) Theo HT Tinh Vân, sách đã dẫn.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét