Trang

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

11. TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ

Bước vào cõi Phật – Quyện 2 – Bài 11. Tuệ Trung Thượng Sĩ
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
11. TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ
1.  Một ngày chủ nhật trong tháng chín vừa qua, do một sự tình cờ, buổi sáng tôi được nghe một hòa thượng giảng pháp qua một bài thơ của Tuệ Trung thượng sĩ, buổi chiều tôi lại được nghe một hòa thượng giảng pháp và dùng một bài thơ khác, cũng của Tuệ Trung thượng sĩ!  Sự trùng hợp này làm cho một ông bạn của tôi - cũng có mặt trong hai buổi nói chuyện - bảo tôi tìm tài liệu về Tuệ Trung thượng sĩ, viết lại “ngăn ngắn” để bạn bè coi “cho biết, mà không mệt”!
Nhiều người nghe tên Tuệ Trung đã không biết là ai; lại thêm chữ “thượng sĩ”, thấy khó hiểu.  Xin nói ngay: “thượng sĩ” là một danh từ trong đạo Phật, có ý nghĩa tương đương với “đại sĩ” hay “bồ-tát”. Còn Tuệ Trung là ai?  Ngài là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, do đó liên hệ của ngài đối với nhà Trần là liên hệ ruột thịt.
Nhục thân Tuệ Trung Thượng Sĩ
2.  Chúng ta biết rằng Lý Huệ Tông, vua cuối cùng của nhà Lý (1010-1225), lấy một người vợ tên là Trần Thị Dung (em ruột của Trần Thừa và là em họ của Trần Thủ Độ).  Bà này sinh ra hai công chúa: Thuận Thiên và Phật Kim (tức là công chúa Chiêu Thánh).  Trần Thủ Độ chiếm quyền lớn trong triều, thu xếp để cho  Thuận Thiên lấy Trần Liễu, Phật Kim lấy Trần Cảnh; Liễu và Cảnh là hai anh em ruột, con của Trần Thừa.  Phật Kim lên ngôi là Lý Chiêu Hoàng, nhường ngôi cho chồng năm 1226, đó là Trần Thái Tông.  Đến năm 1237, Phật Kim vẫn chưa có con trai nên Trần Thủ Độ truất ngôi hoàng hậu, đem Thuận Thiên thế vào làm hoàng hậu, vì Thuận Thiên đã có mang, sẽ có con để nối dõi nhà Trần.  Trần Liễu uất ức, đã nổi loạn, sau rồi việc cũng yên.  Trần Liễu có nhiều con, con trưởng là Trần Tung (sau là Tuệ Trung thượng sĩ), con thứ là Trần Quốc Tuấn (sau là Hưng Đạo Đại Vương) và con gái là Thiên Cảm (sau lấy con trai của Trần Thái Tông, tức là Trần Thánh Tông).
Các nhà viết sử có lên tiếng phê bình sự cưới gả lẫn lộn trong họ Trần, mục  đích là không cho họ khác lọt vào hoàng gia để mưu việc chiếm ngôi vua, như Trần Thủ Độ đã đoạt ngôi nhà Lý đem về cho nhà Trần: Hưng Đạo Vương lấy cô là công chúa Thiên Thành. Trần Thánh Tông lấy Thiên Cảm (chị họ).  Trần Nhân Tông lấy con gái Hưng Đạo vương (chị họ).  Tuy nhiên ai cũng nhận rằng ba cuộc kháng chiến chống Mông Cổ với những chiến thắng lẫy lừng, cùng các chính sách mang yên ổn ấm no đến cho dân đều là những điểm son của nhà Trần mà bất cứ người Việt nào cũng hãnh diện.
Về phương diện tôn giáo, các vua đầu nhà Trần đều học Phật và ứng dụng lời dạy của Phật để trị dân.  Trần Thái Tông đã có lần bỏ kinh đô lên núi Yên Tử định xuất gia, nhưng bị Trần Thủ Độ bắt về.  Trần Thánh Tông rất tinh thông Phật học.  Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con để đi tu, làm tổ thứ sáu của Thiền phái Yên Tử và sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
3.  Phật giáo truyền bá vào Việt Nam rất sớm (thế kỷ I hay II) bằng cả đường bộ (từ Trung Quốc xuống) và đường biển (từ Ấn-Độ sang).  Vào đời Lý, Phật giáo rất thịnh.  Có 3 dòng thiền ở nước ta: phái Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi, phái Vô Ngôn Thông và phái Thảo Đường.  Sau ba tông phái này hợp lại thành một, đó là thiền phái Yên Tử.  Người ta gọi Phật giáo đời Trần là “Phật giáo nhất tông” là vì lẽ đó. 
Yên Tử là tên một trái núi cao ở trên “cánh cung Đông Triều”, tức là một dãy núi ở phía Đông Bắc Việt, chạy theo sông Kinh Thày.  Kể từ Phả Lại, đi theo đường số 18, 15 km thì tới Chi Ngại thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, 27 km thì tới Đông Triều nay thuộc tỉnh Quảng Yên. Từ Đông Triều có hai đường, một đường là đường số 18 đi Uông Bí, một đường nhỏ hơn đi Vàng Danh, cách Đông Triều chừng 30 km.  Từ Vàng Danh leo lên núi Yên Tử, rất nhiều chùa, ngày nay đổ nát, còn di tích quý, đang sửa sang.  Khi đẹp trời, từ đỉnh Yên Tử có thể nhìn ra vịnh Hạ Long.
Vị tổ khai sơn thiền phái Yên Tử là Hiện Quang thiền sư (mất năm 1220), đệ tử của Thường Chiếu thiền sư.  Sự truyền thừa được ghi lại như sau:
1.    Hiện Quang
2.    Đạo Viên (thầy của vua Trần Thái Tông)
3.    Đại Đăng
4.    Tiêu Diêu (thầy của Tuệ Trung thượng sĩ)
5.    Huệ Tuệ
6.    Trúc Lâm đại sĩ (tức là vua Trần Nhân Tông)
Vua Trần Nhân Tông đi tu được gọi là Điều Ngự Giác hoàng, còn gọi là Hương Vân đại đầu đà.  Ngài là sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.  Tổ thứ nhì là Pháp Loa, tổ thứ ba là Huyền Quang.  Đó gọi là “Trúc Lâm tam tổ”.
4.  Tuệ Trung thượng sĩ (1230-1291) tên là Trần Tung (có nơi chép là Trần Quốc Tung), con trưởng của Trần Liễu (An Sinh vương Trần Liễu).  Tuệ Trung là anh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và hoàng hậu Thiên Cảm (vợ của Trần Thánh Tông).  Ngày nay, chúng ta biết được một số chi tiết về Tuệ Trung là do sách Thượng sĩ ngữ lục mà phần cuối là bài Thượng sĩ hành trạng do vua Trần Nhân Tông viết.  Nhờ đó, ta biết Tuệ Trung là một người thâm trầm, nhàn nhã, yêu thích đạo Phật.  Khi ít tuổi, được cử trông nom đất Hải Dương, lúc ấy thì Trần Quốc Tuấn được cử coi kho lương ở Phù Dực (tỉnh Thái Bình ngày nay).
Quân Nguyên (tức quân Mông Cổ, thời đó đã chiếm được nước Tàu, đuổi được nhà Tống) xâm lăng nước ta ba lần: lần đầu 1257 (triều vua Trần Thái Tông), lần thứ nhì 1285 và lần thứ ba 1288 (triều vua Trần Nhân Tông).  Hội nghị Bình Than (gần Phả Lại), 1282, họp các tướng tá và vương hầu để tìm kế chống giặc.  Hội nghị Diên Hồng (ở kinh đô), 1284, họp các bô lão để hỏi ý kiến “nên chiến hay nên hòa” với quân Nguyên.  Đó là những điểm tiêu biểu cho tinh thần dân chủ của nước ta vào thế kỷ XIII.  Tuệ Trung tham gia tích cực vào cuộc chống Nguyên và lập được nhiều công.  Sau khi dẹp được giặc ngoại xâm rồi, ngài về ở ấp Tịnh Bang (thuộc tỉnh Quảng Yên ngày nay) và dựng Dưỡng Chân Trang làm nơi tu hành.  Khi ngài mất (1291) vua Trần Nhân Tông (học trò của ngài) phong cho ngài tước Hưng Ninh Vương.
5.   Tuệ Trung thượng sĩ có nhiều nét đặc biệt:
a/ Ngài đã theo học thiền sư Tiêu Diêu, tổ thứ tư của phái Yên Tử.  Ngài rất được kính trọng, dạy nhiều môn đệ; ngài lại là bạn quý của nhiều vị tôn đức trong số đó có vua Trần Thánh Tông (một ông vua rất am tường Phật học và tu hành theo Phật giáo).  Đáng chú ý nhất là ngài tu Phật mà không hề xuất gia bao giờ, vẫn có gia đình, vợ con.
b/ Làm đầy đủ bổn phận chống giặc giữ nước xong, ngài mới để toàn thời gian vào việc tu hành.  Ngài không câu nệ vào sách vở, không thích bám vào các khái niệm có sẵn.
c/ Sắc thái của ngài rõ rệt là sắc thái của một thiền sư.  Tiểu sử của ngài cũng như thơ, kệ của ngài cho ta thấy nhiều chi tiết về đường lối tu hành và dạy bảo môn đồ của ngài.  Những lời đối đáp hay giáo huấn của ngài có nhiều điểm khó hiểu đối với người không biết rõ về thiền, hoặc là chứa nhiều mâu thuẫn.  Ngài dạy bảo mà không đập, đánh, đạp!  Đôi khi có hét một tiếng!
Em gái ngài là hoàng hậu Thiên Cảm mời ngài ăn cơm, trên mâm có cả món chay lẫn món mặn.  Ngài gắp ăn tự nhiên, không phân biệt.  Hoàng hậu hỏi: “Anh tu mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”  Ngài trả lời: “Phật là Phật, anh là anh.  Anh không cần thành Phật, Phật không cần thành anh”. 
Thật khó hiểu!  Thái tử Khâm (sau là vua Trần Nhân Tông) có mặt trong bữa đó cũng không hiểu nổi, phải đợi bao nhiêu lâu sau mới dám đem hỏi lại.  Thật ra, ngài muốn dạy người ta từ bỏ hình thức mà đi thẳng vào thực chất vì miệng ăn chay mà lòng không thanh tịnh thì cũng chẳng ích gì!
d/ Một người hỏi ngài về vấn đề “sắc không” (Bát- nhã tâm kinh: sắc tức là không, không tức là sắc). 
Ngài hỏi: - Ông có sắc thân không?     - Có.     - Vậy thì sao nói: sắc là không?
Ngài lại hỏi tiếp: - Ông thấy cái “không” của hình thể không?  - Không thấy.
- Vậy thì sao nói: “không” là sắc?
Người kia bèn hỏi: - Thế thì rốt cuộc ra sao?
Ngài đáp:  Sắc chẳng phải không, Không chẳng phải sắc.
Người ấy bèn lễ tạ.
Nghe chuyện đến đây, chúng ta ngạc nhiên hết sức, ngạc nhiên vì ngài giảng ngược hẳn lại với kinh sách!  May sao câu chuyện còn tiếp:
Ngài gọi người kia lại cho nghe bài kệ này:
            Sắc tức là không, không tức là sắc,
          Chư Phật ba đời tạm thời bày đặt.
          Không chẳng phải sắc, sắc chẳng phải không,
          Thể tính sáng trong, không hề còn mất.
và hét lên một tiếng!
Nhờ bài kệ này chúng ta mới thấy lời giải thích của ngài.  Ngài muốn dắt người hỏi từ chỗ đối đãi “sắc, không” sang chỗ tuyệt đối là Phật tính, thể tính, cái này mới đúng là cái thật. Tu hành theo pháp môn nào cũng vậy, nếu cứ kẹt vào nhị kiến, nhị biên, đối đãi, trắng đen, mê ngộ, tội phúc, sinh tử... thì quả là kẹt, kẹt trong sự lựa chọn, kẹt trong sự so sánh, trong “mong cái này, đuổi cái kia”; phải siêu việt, vượt lên trên “Nhị Kiến” mới được.  Đến đây, chúng ta mới hiểu tại sao lại có những câu như “không thiện, không ác”, ý nói lìa luôn cả thiện lẫn ác, lìa sự đối đãi thiện ác, lìa khái niệm thiện và ác.  Có người chưa thông lý đó nên “tấn công” đạo Phật là không phân biệt thiện ác.  Người chê trách như vậy là đứng ở quan điểm luân lý thế gian, chưa cảm thông với tâm lý của con người đã siêu việt nhị kiến rồi, con người đã đủ luân lý thế gian rồi (chứ không gạt bỏ, khi nói chuyện thế gian) và đã bước lên một bước (chứ không đi đường tắt) để nắm bắt được cái vô cùng, cái tuyệt đối.
Tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận đã viết: “Thực tại mầu nhiệm, ta phải sống trong lòng nó chứ không thể chỉ đi xung quanh nó và đàm luận về nó...  Tuệ Trung chủ trương rằng Phật tử không cần một lý thuyết: nguyên tắc đơn giản của đạo Phật là hãy sống cuộc đời tự tại của chính mình không cần tìm đâu cả.  Thể tính của ta vẫn sáng trong chưa từng bị mê hoặc, chỉ cần quay về tự thân là ta có thể làm hiển lộ nó, khỏi cần tìm Phật tìm Tổ...” (trang 297-298, tập 1)
Đọc mấy dòng đó chúng ta muốn biết rõ: “Sống cuộc đời tự tại của chính mình” là sống như thế nào?  Khó quá! Lại một công án của Thiền tông chăng?
e/ Người ta vẫn nói rằng khi tu hành đến một mức cao nào đó thì có thể biết  trước được ngày giờ chết của mình.  Tuệ Trung thượng sĩ ở Dưỡng Chân Trang, vào lúc gần tịch, cho kê giường nằm ở giữa thiền đường.  Thấy ngài nhắm mắt, người xung quanh bèn khóc to.  Ngài mở mắt, ngồi dậy, bảo lấy nước rửa tay súc miệng rồi nói:   “Sống chết là lẽ thường, sao lại buồn khóc để cho chân tính (Phật tính) ta náo động?” Xong, ngài ra đi nhẹ nhàng.
6.  Thượng sĩ ngữ lục là quyển sách tập trung các sáng tác của Tuệ Trung.  Sách này có ba phần: phần đầu là những bài giảng và công án do ngài Pháp Loa ghi lại và vua Trần Nhân Tông khảo đính; phần thứ nhì gồm nhiều bài thơ đủ loại; phần cuối là bài Thượng sĩ hành trạng do vua Trần Nhân Tông viết. Sau đây là mấy bài thơ của Thượng sĩ.
Khuyên thế tiến đạo                                     
Tứ tự tuần hoàn xuân phục thu,           
Xâm xâm dĩ lão thiếu niên đầu.           
Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng,
Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu.    
Khổ chú luân hồi như chuyển cốc,       
Ái hà xuất một đẳng phù âu.               
Phùng trường diệc bất mô lai tị,           
Vô hạn lương duyên chỉ má hưu.        
Dịch :
Khuyên đời vào đạo
Năm tháng xoay vần, xuân đến thu,
Xăm xăm tuổi trẻ đã phơ đầu.
Giàu sang, mắt lóa cơn trường mộng,
Tuổi tác, lòng đong vạn hộc sầu.
Nẻo “khổ”, bánh xe luân chuyển khắp,
Sông “yêu”, bọt nước nổi chìm mau.
Mải vui nếu chẳng tìm ra gốc,
Nghìn thuở lương duyên chẳng đến đâu.
                                      (Huệ Chi dịch)
Mải mê chạy theo cái bên ngoài, “chẳng đi đến đâu” cả.  Hãy gắng tìm ra gốc.  Gốc nào đây?  Cái “bổn lai diện mục”, cái “tự tánh” vậy.
             Thị học                                              
Học giả phân phân bất nại hà,               
Đồ tường linh đích khổ tương ma.        
Báo quân hưu ỷ tha môn hộ,                 
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.        
Dịch :                  
Bảo người học đạo
Học đạo mênh mang ai có hay,
Gạch đem mài gạch, nhọc nhằn thay.
Thôi đừng nương tựa nơi nhà khác,
Một ánh xuân về hoa đó đây.
                                  (theo Đỗ Văn Hỷ)
Gạch mài mãi cũng chẳng thành gương được (lấy ý ở câu nói của ngài Mã Tổ bảo ngài Bích Trượng), ngồi thiền lắm cũng chẳng thành Phật được.  Lý do?  Đừng bấu víu vào sách vở, chữ nghĩa, hãy tránh nghiền ngẫm lý luận, cần phải trực cảm “cái gì” đó, cái “ánh xuân” đó, lúc ấy hoa sẽ nở khắp nơi khắp chốn!
                    An tâm                                             
Bất yếu chu môn, bất yếu lâm,                   
Đáo đầu hà xứ bất an tâm?                      
Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu,          
Thùy thính cô viên đề xứ thâm?              
Dịch :
An tâm
Nào phải rừng xanh hay cửa tía,
Nơi đâu chẳng phải chốn yên lòng.
Mọi người hiểu hết nghìn non sáng,
Tiếng vượn rừng sâu ai biết không?
                            (HT Tâm Châu dịch)
Ai ai cũng mong tâm được an.  Nhị tổ Huệ Khả của Thiền tông Trung Quốc xin với Sơ tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma dạy cách an tâm.  Sơ tổ bảo đem tâm đến để ngài an cho.  Nhị tổ tìm không thấy đâu.  Sơ tổ dạy: “Ta đã an tâm cho ông rồi đó!”  Chạy tìm loanh quanh khắp chốn, sự thật ở chỗ nào cũng an tâm được.  Tìm hiểu quá nhiều, có một thứ là cái “bản lai diện mục” thì không biết!  Vì vậy mà tâm không an nổi.
       Vạn sự quy như                              
Tòng vô hiện hữu, hữu vô thông,               
Hữu hữu vô vô tất cánh đồng.                  
Phiền não, bồ đề, nguyên bất nhị,           
Chân như, vọng niệm, tổng giai không. 
Thân như huyễn kính, nghiệp như ảnh,
Tâm nhược thanh phong, tính nhược bồng.  
Hưu vấn tử sinh, ma dữ Phật,                             
Chúng tinh củng Bắc, thủy triều Đông.   
Dịch :
Muôn việc đều về cõi Chân Như
Từ không hiện có; có, không thông,
Có có, không không, rốt cuộc chung.
Phiền não, bồ-đề, nguyên chẳng khác,
Chân như, vọng niệm, thảy đều không.
Thân như gương ảo, Nghiệp như bóng,
Tâm tựa gió lành, Tánh tựa bồng.
Đừng hỏi tử, sinh; ma với Phật,
Muôn sao hướng Bắc, nước về Đông.
                                      (theo Trúc Thiên)
Hãy bỏ nhị kiến đi, hãy gạt những đôi tương đối sang một bên.  Tất cả chẳng qua là tướng của cùng một sự thật trên vũ trụ thôi, như muôn sao thì hướng về Bắc, mà nước thì chảy về Đông.
       Thị tu Tây phương bối                             
Thân nội Di-Đà tử má khu,                                 
Đông Tây Nam Bắc pháp thân chu.     
Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt,       
Sát hải trừng trừng dạ mạn thu.             
Dịch :
Bảo người tu Tịnh độ
Thân báu Di-Đà ẩn đáy lòng,
Pháp thân khắp chốn tỏa mênh mông.
Bầu trời bát ngát trăng cô quạnh,
Trong vắt trăng thu, biển Phật trong.
Người tu Tịnh độ dựa vào nguyện lực của Phật A-Di-Đà để cầu vãng sinh Tây phương Cực lạc. Tuệ Trung thượng sĩ chỉ cho biết Phật A-Di-Đà ở ngay trong lòng mình và pháp thân Phật (tức Chân Như) bao trùm khắp vũ trụ.  Đây là nhắc lại một lời giải thích của Lục tổ Huệ Năng một cách khác, ngài Huệ Năng nói rằng Tây Phương Cực Lạc ở ngay đây!
7.   Đối với quý vị thích nghe chuyện Thiền, xin ghi ra một vài chuyện:
a. Hỏi: Thế nào là thanh tịnh pháp thân?
   Sư đáp: Ra vào trong nước đái trâu,
   Chui rúc giữa đống phân ngựa.
   Lại hỏi: Vậy làm thế nào mà chứng ngộ được?
  Sư đáp: Không có niệm nhơ bẩn tức là pháp thân thanh tịnh. 
  Hãy nghe bài kệ của ta:
                     Xưa nay không bẩn, sạch,
                     Bẩn, sạch, đều hư danh.
                    Pháp thân không vướng mắc,
                    Nào “trọc” với nào “thanh”.
b. Nêu: - Một thiền tăng hỏi một thiền sư rằng: “Con giun bị chém làm hai đoạn, hai phía đều động, vậy Phật tính ở chỗ nào?
          Sư hỏi lại: Động và bất động là cảnh giới nào?
                     Sư nói: Hai phía đều chẳng động, Động ở phía nhà ngươi.
Tụng rằng:
                      Chặt đứt con giun thành hai khúc,
                      Hai đầu đều động, có ai ngờ.
                      Hỏi ra Phật tính không hề thấy,
                      Mổ bụng cất rùa uổng phí chưa!
c. Nêu: - Lâm Tế đến thăm tháp chủ.
Tháp chủ hỏi: “Lễ Phật trước hay lễ Tổ trước?”
Sư đáp: “Tổ và Phật đều không lễ”.
Tháp chủ hỏi: “Tổ, Phật với trưởng lão có oan nghiệt gì mà không lễ?”
Sư phất tay áo ra đi.
Sư nói: Được cưỡi đầu hổ,
Chớ vuốt râu hùm.
               Tụng rằng:
                   Một phen phủi áo bước thong dong,
                   Tháp chủ trừng trừng, giận chẳng xong.
                   Phật, Tổ rốt cùng đều chẳng lễ,
                   Ngọc chìm khe sớm, ánh thu trong.
 Nếu thấy khó hiểu, xin hỏi các vị tu Thiền!

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét