Trang

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

LÒNG TỪ BI (50)

BƯƠC VÀO CÕI PHẬT – Bài 50
 Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
50 - LÒNG TỪ.
Trong số các danh từ mà Phật tử chúng ta nghe nói đến nhiều nhất, có ba chữ tham sân si (ba độc, tam độc) và bốn chữ từ bi hỷ xả (bốn tâm vô lượng, tứ vô lượng tâm). Vì nghe quá nhiều cho nên chúng ta thấy quá quen, mà do quá quen nên coi nhẹ, cho rằng mình hiểu rồi!
Hôm nay, chúng tôi xin trình bày hầu quý đạo hữu về chữ Từ. Trong thực tế, người Việt chúng ta hay nói hai chữ Từ Bi chung với nhau, nói một chữ Từ không thôi, thấy có vẻ thiêu thiếu.
Khi soạn bài nói này, chúng tôi coi mấy bản dịch cuốn kinh có tên là Mettā Sutta. Chữ pali Sutta nghĩa là kinh, Mettā nghĩa là từ (từ không thôi, chứ không phải là từ bi, vì bi là Karunā). Mettā tương đuơng với chữ sanskrit Maitri. Nếu dịch là Kinh Từ thì cảm thấy cụt lủn, cho nên có người dịch là Kinh Tâm Từ, người khác dịch là Kinh Từ Bi, lại có người dịch là Kinh Thương Yêu. Chúng tôi đề nghị dùng chữ Kinh Lòng Từ hay Kinh Tâm Từ.
Từ và Bi là hai ý niệm khác nhau: nói thật gọn thì từ là cho vui, bi là cứu khổ.
HT Nārada viết trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp :“Mettā là cái gì làm cho lòng ta êm dịu. Mettā là trạng thái tâm của người bạn tốt. Mettā là lòng thành thật ước mong rằng tất cả chúng sinh đều được sống an lành hạnh phúc. Mettā cũng có khi được định nghĩa là lòng mong mỏi chân thành của người bạn hiền, thành thực muốn cho người bạn của mình được an vui hạnh phúc”.
Đức Phật và Phật pháp
Chúng ta nghĩ rằng nếu chỉ đơn giản là lòng mong ước, thì có lẽ giống như những điều viết trong thiếp chúc Tết của chúng ta! Vì thế HT Nārada phải nói dài hơn, ngài dùng chữ thương yêu, và ngài nói kỹ các chi tiết để chúng ta khỏi hiểu lầm cả chữ thương yêu nữa.
Thương yêu vợ con, thương yêu bạn bè, thương yêu người trong xóm trong làng .. chưa phải là Từ, đó tạm gọi là một khía cạnh nhỏ bé của lòng Từ mà thôi. Thương yêu một người nào đó có thể gợi ra ý trìu mến, ý luyến ái, ý tình dục, mà thương yêu như vậy sẽ dẫn đến phiền não (chúng ta đã biết rằng nguồn gốc của khổ đau chính là ái dục!).
HT Nārada bảo cho chúng ta biết rằng: Tình đồng chí, tình đồng chủng, tình đồng hương, tình đồng đạo đều không phải là lòng Từ! Thiện ý, thiện chí, hảo tâm, từ ái, bác ái chỉ là những danh từ tạm là đồng nghĩa với mettā mà thôi.
Trở về Kinh Lòng Từ, chúng ta đọc được các dòng sau đây:
“Nguyện thái bình an lạc,   →    Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc,       Chúng sinh dù yếu mạnh,
Lớn nhỏ hoặc  trung bình,        Thấp cao không đồng đẳng,
Hết thảy chúng hữu tình,           Lòng từ không phân biệt,
Hữu hình hoặc vô hình,            Đã sinh hoặc chưa sinh,
Gần xa không kể xiết,                 Nguyện tất cả sinh linh,
Tràn đầy muôn hạnh phúc.      Đừng lừa đảo lẫn nhau,
Chớ bất mãn điều gì,                 Đừng mong ai đau khổ,
Vì tâm niệm sân si,                    Hoặc vì nuôi oán tưởng.
Hãy mở rộng tình thương,         Hy sinh như từ mẫu,
Suốt đời lo che chở ,                 Đứa con một của mình,
Hãy phát tâm vô lượng,            Đến tất cả sinh linh ...”
Đức Phật
Như vậy là đức Phật dạy rằng: “Lòng Từ phải được rải khắp đồng đều cho mọi chúng sinh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất của bà, suốt đời che chở cho con”.
So sánh lòng Từ với tình mẫu tử trong đoạn kinh trên đây, đức Phật không đề cập đến lòng trìu mến ít nhiều vị kỷ của người mẹ, Ngài chỉ nhấn mạnh vào lòng mong mỏi thành thật của bà mẹ hiền muốn cho con duy nhất của mình được sống an lành.
Làm cho người khác được yên vui là đặc điểm quan trọng của lòng Từ. Người có lòng Từ luôn luôn cố gắng tạo an lành cho tất cả chúng sinh, chỉ thấy những gì tốt đẹp nơi mọi người và không nhìn thấy phần xấu xa hư hỏng của một ai.
Tỳ-kheo Thích Nhật Từ khi tóm tắt nội dung Kinh Lòng Từ, đã cho chúng ta biết: “Bản kinh chứa tải nhiều giá trị đạo đức rất cao, nhất là hạnh ban rải tình thương đến con người và các loại chúng sinh một cách không phân biệt .. Tình thương này vượt khỏi giới tính, thân sơ, bạn thù, ta người ... Tình thương như vậy chỉ có thể phát xuất từ một tấm lòng bao la, vô ngã, không vị kỷ.” Chúng ta nắm bắt ngay chữ “vô ngã” ở trong câu đó, làm  cho ta thấy rằng tu lên đến mức ấy không phải là dễ!
Bây giờ, chúng ta tự hỏi: “Thế thì hàng ngày chúng ta thực hành tu lòng Từ thế nào?”
Thứ nhất là gieo trồng lòng Từ cho chính mình đã, mình gắng gạt bỏ những tư tưởng oán hờn, sân hận, bực bội, ghét bỏ, báo thù ... trong tâm mình; mình chỉ nghĩ đến những điều vui vẻ, an lành, hạnh phúc.
Thứ nhì là phải hiểu rằng bất cứ ai cũng có cái tốt cái xấu. Chúng ta hãy bỏ qua các điều xấu của họ mà chỉ nghĩ đến những điều tốt của họ.
Thứ ba là thực hành lòng Từ dần dần như những vòng đồng tâm càng ngày càng rộng: bắt đầu từ người thân trong gia đình, rồi đến bạn bè, sau tới mọi người và cuối cùng tới toàn thể chúng sinh.
Việc khó hơn tất cả là việc thể hiện lòng Từ đối với người coi mình là kẻ thù, việc này phải kiên nhẫn và can đảm lắm mới làm nổi.
Phật giáo có chữ ba-la-mật. Bố thí ba-la-mật là bố thí một cách tự nhiên như thở hít, không nghĩ mình giúp cho ai, giúp cái gì, không mong cầu phước báo. Trải lòng Từ cũng phải làm một cách tự nhiên, không mong cầu phước báo. Tuy vậy, kinh sách có nói đến các phước báo.
Tỳ kheo Thích Nhật Từ
Tỳ-kheo Thích Nhật Từ đã nói lên ý sau đây: “Hiện tại: người tu tâm Từ có giấc ngủ an lành, không có mộng mị khiếp đảm. Đi đứng nằm ngồi, tâm tư luôn luôn an lạc. Được mọi người quý mến, tin phục, hộ trì và giúp đỡ. Đời sau: sẽ được sinh vào các cảnh giới tốt. Nếu sinh làm người thì không có kẻ thù, không bị ai hiềm khích, hãm hại, sống trong sự an lành và hạnh phúc .. Tâm Từ còn có khả năng chuyển hóa cuộc đời khổ đau, phân chia, tranh chấp, không thù hận (mang tới) hòa bình, an lạc và giải thoát.”
Nhân đây, chúng tôi xin ghi lại lời khuyên của HT Thích Đức Nhuận: “Tôi cần nhắc người thụ trì, hãy tránh thái độ tụng kinh để kể công với Phật, hay để tiêu khiển thời gian, hoặc biến thời kinh thành buổi nhạc lễ. Không nên tụng kinh vì mục đích cầu phúc báo, danh lợi nhân gian. Đọc tụng kinh điển trước là để hiểu rõ và sau là hành trì. Hiểu rõ để thực hành khỏi sai. Hành trì để bản thân và tha nhân được an lạc .. Phải siêng năng đọc tụng, nghiền ngẫm nghĩa lý, rồi đích thân ứng dụng và thực hành  ” □
Tài liệu:
 - HT Nārada, Tứ Vô Lượng Tâm. Phạm Kim Khánh dịch (trong sách Đức Phật và Phật pháp).
- Kinh Tụng Hàng Ngày. Tỳ-kheo Thích Nhật Từ biên soạn. Đạo Phật Ngày Nay xuất bản, 2002. Lời giới thiệu của Sa môn Thích Đức Nhuận, chùa Giác Minh Saigon.
  - Kinh Từ Bi. Ni sư Ayya Khema. Diệu Liên chuyển ngữ. Tìm trong internet BuddhaSasana Bình Anson.   

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét