Trang

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

5. KINH NA-TIÊN TỲ-KHEO

BƯỚC VÀO CÕI PHẬT –Quyển 2 – Bài 5
Cố  Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
5. KINH NA-TIÊN TỲ-KHEO
Ngài Long Thọ (Nagarjuna) là tổ-sư thứ 14 trong số 28 vị tổ sư tại Ấn Độ.  Ngài có danh tiếng lớn, có người đã xưng tụng Ngài là Phật Thích-Ca không có 32 tướng. Ngài đã soạn nhiều quyển kinh, trong số đó có Kinh Na-Tiên tỳ-kheo: một vị tỳ-kheo tên là Na-Tiên (Nagasena) đã trả lời các thắc-mắc về đạo-lý của Vua Di-Lan-Đà (Milinda). Sự đối đáp rất là hoạt bát, khéo léo, rõ ràng, vì thế kinh Na-Tiên tỳ-kheo là một cuốn kinh nổi tiếng.
 
Ngài Long Thọ

Người ta cho rằng Milinda là tên dùng để chỉ vua Menander, người Hy-Lạp, trị-vì tại Kaboul, xứ Afghanistan, đã xâm chiếm Ấn-Độ (lưu vực sông Hằng) vào khoảng năm 150 trước công nguyên. Vua Milinda rất mộ đạo Phật, ham tìm hiểu Phật pháp và thường săn sóc tăng chúng nên được tăng chúng rất quý trọng. Có giả-thuyết đã cho rằng Na-Tiên (Nagasena) có thể là tên mà Ngài Long Thọ (Nagarjuna) đã dùng để chỉ chính mình vì hai chữ Nagasena và Nagarjuna nghe giống nhau.
Hai bộ Luận của Long Thọ Bồ-tát là Trung-Luận Thập-nhị môn Luận rất nổi tiếng, đã được dùng làm căn-bản cho Tam luận tông.  Ngài đắc ý nhất là Lý KHÔNG.
 
Kinh Na-Tiên Tỳ-kheo
Khi nói đến Long Thọ Tứ Giáo thì chúng ta cần hiểu rằng đó là bốn điều giáo-lý mà Ngài Long Thọ đưa ra để theo đó tu hành, để nhập Như-Lai tính: Hữu (có), Không, diệc Hữu diệc Không (cũng có cũng không), phi Hữu phi Không (chẳng phải có chẳng phải không).
Sau đây, chúng tôi xin chép ra vài đoạn trong kinh Na-Tiên Tỳ-kheo:
A.  Vua Milinda hỏi tỳ-kheo Na-Tiên:
- Bạch Ngài, Ngài có thấy Phật không?
- Không!
- Mấy sư-phụ của Ngài có thấy Phật không?
- Không!
- Thế thì Phật không có ra đời?
- Tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ có thấy Sông U hà ở trên Tuyết sơn không?
- Không!
- Tiên vương có thấy không?
- Không!
- Thế thì không có sông U hà!
- Không phải.  Tuy tiên vương và Trẫm không thấy, nhưng sông ấy có mà!
- Thưa Phật cũng thế đó!
B. - Bạch Ngài, ai chưa đắc Niết-bàn có biết Niết-bàn là cảnh sung sướng chăng?
- Biết!
- Tại sao mà biết?
- Những người không bị chặt tay chân, có biết bị chặt tay chân là khổ không?
- Biết!
- Tại sao mà biết?
- Là do nghe những người bị chặt tay chân than khóc, kêu la!
- Ấy cũng do nghe những đấng đạt đến Niết-bàn, người ta mới biết Niết-bàn là cảnh sung sướng.
C.  - Bạch Ngài, có phải nhờ nhất tâm thiền định mà người ta thoát kiếp luân hồi chăng?
- Nhờ nhất tâm thiền định mà cũng nhờ đắc trí huệ và những mối thiện tâm khác nữa.
- Vậy chứ nhất tâm không phải là một thứ với trí huệ sao?
- Không, hai thứ ấy khác nhau: những loài dê, cừu, bò, trâu, lừa, ngựa ... nhất tâm định trí được, chớ không bao giờ đạt trí huệ được!
- Nhất tâm là gì?  và đạt trí huệ là gì?
- Một đằng có nghĩa là thông hiểu, một đằng có nghĩa là đoạn tuyệt.
- Xin so sánh cho Trẫm biết.
- Bệ-hạ có biết thợ gặt chăng?
- Biết!
- Họ gặt lúa thế nào?
- Tay trái họ nắm lấy bó lúa, tay phải họ cầm lưỡi liềm để cắt.
- Nhà đạo cũng làm như thế. Người ta nhất tâm mà gom tư tưởng lại, rồi người ta dùng trí huệ mà cắt các tình dục. Cho nên một đằng có bản tính thông hiểu, một đằng có bản tính đoạn tuyệt.
- Những mối thiện tâm khác nữa là gì?
- Ấy là hạnh đức, thành tín, nghị lực, ý niệm và định tâm. . .
D.  - Trẫm muốn hỏi Ngài một câu.
- Xin Bệ hạ hỏi đi.
- Trẫm đã hỏi rồi.
- Tôi cũng đáp rồi.
- Ngài đáp chi?
- Bệ hạ hỏi chi?
- Trẫm không có hỏi chi hết.
- Bần tăng không có đáp chi hết!
E.  - Bạch ngài, Phật có ba mươi hai tướng trang nghiêm chứng rằng Phật là đấng toàn giác, tám mươi tướng nhỏ, nước da như vàng ròng và một vầng hào quang lớn bằng một ôm chăng?
- Có.
- Đức cha và đức mẹ có những tướng ấy không?
- Không.
- Thế mà con giống mẹ hay bà con bên mẹ, hoặc giống cha hay bà con bên cha.
- Bệ hạ có biết hoa sen không?
- Biết.
- Hoa sen ấy sanh ở đâu?
- Ở dưới bùn và lớn lên ở dưới nước.
- Màu nó, mùi nó và vị nó có giống bùn với nước không?
- Không.
- Phật cũng như vậy đó.
F.  - Bạch Ngài, vì lẽ gì mà con người không được như nhau? Kẻ sống lâu, người chết trẻ; kẻ được sức khỏe, người phải ốm đau; kẻ tốt tướng, người xấu hình; kẻ oai thế, người yếu hèn; kẻ giàu có, người cơ bần; kẻ cao sang, người thấp hèn; kẻ thông minh, người ngu dại?
- Tâu Bệ hạ, tại sao trái cây không được như nhau? Thứ thì ngọt, thứ thì chua, thứ thì chát, có thứ đắng, có thứ ngon?
- Trẫm tưởng có lẽ tại hột giống đã gieo.
- Con người cũng thế. Bởi cái nghiệp không giống nhau nên con người không được như nhau ...
G. - Bạch Ngài, các ngài trong Phật pháp cho rằng kẻ nào làm ác trong cả đời mà lúc lâm chung tưởng Phật, niệm Phật liền được lên cõi Phật, Tiên. Trẫm tin không được. Các ngài cũng nói rằng chỉ giết một mạng sinh linh cũng đủ sa địa ngục. Trẫm cũng không tin được.
- Tâu Bệ hạ, một cục đá nhỏ không nhờ sức chiếc ghe có nổi trên nước được không?
- Không.
- Mà một trăm xe đá chất vào chiếc ghe lớn, có nổi được không?
- Được.
- Chiếc ghe, ấy là việc lành, lòng tin tưởng, nguyện vọng.
(Trích trong cuốn Triết Lý Nhà Phật, tác giả: Đoàn Trung Còn; Phật Học Tòng Thơ,  Saigon, 1965) .

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét