BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – VÀO CHÙA (41)
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn
Phú
41. VÀO
CHÙA
Chùa là nơi thờ Phật,
có tăng hoặc ni ở. Dịch là pagode, pagoda,
cũng có nơi dịch là temple bouddhique, buddhist temple. Trong tiếng pali mà đức Phật dùng để thuyết
pháp, có chữ thūpa, sanskrit là stūpa, chữ Tích Lan là dagoba.
Nghĩa đen là búi tóc (hair knot) nhắc đến một nét đặc thù tròn tròn của
kiến trúc Phật giáo Ấn Độ. Thoạt đầu, stūpa là nơi thờ xá lợi của đức Phật
Thích-Ca hay các thánh tăng, sau chỉ là nơi thờ Phật, coi như đức Phật còn hiện
diện. Ta phiên âm chữ stūpa là phù-đồ
(“dù xây chín đợt phù-đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”).
Có người bàn rằng chữ chùa của ta là do chữ phù-đồ mà ra, tôi không dám chắc. Lại có người nhận rằng chữ mít của ta là do
chữ paramita (= ba-la-mật-đa) mà ra
và nói chùa nào cũng trồng cây mít, gỗ mít dùng làm mõ, tượng ... Xin nhường
cho các nhà ngôn ngữ học quyết định.
Chùa chiền là danh từ để chỉ chung
các chùa. Có một ông nói rằng chiền là
do chữ thiền mà ra. Tôi không có ý kiến.
Đình là nơi thờ thành hoàng
của làng, đồng thời là nơi hội họp của làng.
Đền (temple) là nơi thờ thần
thánh hoặc những nhân vật được thần thánh hóa, thí dụ như đền Kiếp Bạc thờ đức
Trần Hưng Đạo, đền Sòng thờ bà Chúa Liễu Hạnh ...
Miếu là một cái đền nhỏ thờ
những thần “thấp” hơn, thí dụ: miếu thổ địa.
Miễu thì nhỏ hơn miếu, thí dụ:
miễu âm hồn.
Am có hai nghĩa: đó là chùa
nhỏ của tư gia, hoặc là nơi cất sơ sài nơi vắng vẻ dành cho người muốn xa cảnh
náo nhiệt.
Tĩnh là một cái bàn thờ thần
thánh.
Văn miếu, văn từ, văn chỉ là nơi thờ đức Khổng tử,
các bậc tiên hiền hay các danh nho.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét