Trang

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

31.CHÂN TÂM

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
31. CHÂN TÂM
Chúng tôi đã có dịp trình bày về chữ tâm, nói về cái tâm thường ngày (còn được gọi là chúng sinh tâm).  Hôm nay, xin trình bày về chân tâm, khác hẳn cái tâm trên đây.  Vì cùng dùng một chữ tâm nên sinh ra khó hiểu, người đọc hay người nghe phải căn cứ vào mạch văn hay câu nói mà luận.  Chúng tôi biết rằng đề tài này khó, nên thấy hay nhất là dùng ngay bài Phụ chú về chữ Tâm  (chữ T viết hoa) mà cụ Mai thọ Truyền đã cho in vào cuối cuốn Pháp Hoa huyền nghĩa:
Chữ Tâm dùng trong kinh Pháp Hoa đồng nghĩa với chữ Tuyệt đối (Absolu) của Triết học.  Tâm ở đây không chỉ một cái gì riêng biệt đang ẩn trong mỗi xác thịt, mà chỉ một cái  gì  chung cho tất cả chúng sinh.  Tâm cũng không có nghĩa một chất gì đó hay một quyền năng nào đó có tài uốn nắn, hóa sanh muôn vật.

Thư pháp về chữ TÂM đẹp nhất

Tâm đã là tuyệt đối thì không thể nói tâm là thế này hay thế nọ được.Thí dụ, không được nói Tâm là vô cùng tận vì hễ nói Tâm là vô cùng tận thì những cái gì có giới hạn phải bỏ ra ngoài Tâm, trong khi chỉ có Tâm mới là cái chân thật (Réalité) duy nhất: ta và ngoại cảnh (núi, sông, cây cối, cầm thú...) mà ta tiếp xúc, nhận biết được nhờ ngũ quan môi giới, tất cả những cái ấy không gì khác hơn là Tâm.  Nếu bảo Tâm là vô cùng cực tức là để Tâm ra một bên và những cái không phải vô cùng tận như sông núi, cầm thú, thảo mộc ... ra một bên khác, hai đằng không dính líu với nhau, thí như nói nước là riêng, sóng là riêng, trong khi nước là sóng, sóng là nước.
Lại nữa, luận đến Tâm mà nói “có”, nói “không” cũng là sai.  Phải hiểu vấn đề “hữu” “vô” như thế này.  Đứng về phương diện tuyệt đối mà xét thì tất cả là Một và Một đây là Tâm.  Muôn vật mà chúng ta nhờ ngũ quan mà biết được, trong tuyệt đối, không thật có.  Đó chẳng qua là những gì chất chứa, tổ hợp tạm thời trong một giai đoạn nào đó, để rồi tan rã như bọt nước, như sương mai.  Sở dĩ có hợp có tan là do nhân duyên.  Mỗi vật (pháp) là kết quả của vô lượng nguyên nhân nối tiếp nhau như một dây chuyền mà không sao tìm ra đầu mối được.  Vậy không có một vật nào thường còn mãi mãi, hay tự hóa tự sanh mà không do một số nguyên nhân nào đó.  Vạn vật chỉ có trong tương đối và vì vậy mà kinh sách đại thừa hay gọi “phi hữu” (chẳng phải có) rồi tiếp ngay theo, lại nói “phi vô” (chẳng phải không).
Để cho dễ hiểu, chúng ta có thể nói con người (être humain) có ba phần: một là xác thịt, hai là cái “ta” hay “ngã” (le moi), ba là “chân ngã”, cái “ta thật” (le soi réel).  Xác thịt không khác mọi vật xung quanh ta, không thật, vì là một hiện tượng giả tạm, do nhân duyên cấu tạo.  Cái gọi là “ta” cũng thế, là một trò huyễn thuật, do ngũ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức) mà thành.  Cái “chân ngã” mới là Sự Thật tuyệt đối, nó ở ngoài sự nhận biết của ngũ quan, nó là Lý tuyệt đối, trong đó không có sự phân biệt, vì vậy cái “chân ngã” ấy cũng là cái “thực thể” chung cho chúng sinh, cái Chân ngã ấy là Tâm.  Ai bảo tôi có Tâm tôi, anh có Tâm anh là sai, chỉ có một Tâm mà thôi (cái tâm của mỗi người là chúng sinh tâm).
Không có cái giả riêng biệt và cái chân riêng biệt.  Tất cả muôn sự muôn vật trước mắt ta đều là Tâm cả, tuy là hiện tượng tương đối nhưng đều nằm trong cái Tuyệt đối cả.  Vậy cố tình xua đuổi hay phá tan cái “vọng” là một việc làm không ăn thua vào đâu: làm sao tách sóng ra khỏi nước được?
Ta với Tâm (cái Tuyệt đối) đã là một trong lúc này rồi, cũng như anh cùng tử và người con của ông nhà giàu là một chứ không phải hai.  Vì không tự nhận, tự biết mình là công tử nên phải sống cuộc đời lầm than: chúng sinh khổ não, bất tịnh, cũng chỉ vì không tự nhận là Phật, là Tâm, là cái Tuyệt đối.
Nhận được là hết chúng sinh, là thành Phật.
Nhưng nếu Phật không chỉ dạy (khai thị) cho thì làm sao chúng ta biết được?  Lại nữa, biết chưa đủ, còn cần phải nhận rõ cái sự thật “chúng sinh và Phật không hai” (ngộ) và đi ngay và sống trong cái sự thật ấy (nhập).
 

Được nghe mấy lời giảng của cụ Chánh Trí, chúng ta hiểu được một phần nào, chúng tôi nói “một phần” bởi vì còn phải suy xét ngẫm nghĩ để hiểu cho kỹ, rồi nhập tâm thì cái biết của tác giả mói thành cái biết của mình (cụ có lẫn chỗ thân và sắc). Vắn tắt lại, cái Tâm nói trong bữa nay là Chân tâm, là Phật tánh, là bản thể của chúng sinh.  Tâm ấy đã có sẵn trong chúng ta rồi.  Được đức Phật khai thị, chúng ta còn phải ngộ nhập nữa.  Nếu nói “tôi biết rằng tôi có Phật tánh”, thì chưa đủ, vì cái Phật tánh ấy bị phiền não che mất rồi.  Phải thanh tịnh hóa ba nghiệp thân khẩu ý, nói ngắn là phải tu, thì mới hy vọng ngộ rồi tu nữa thì mới hy vọng nhập Phật tri kiến, tức là Phật tánh.
Trên đây, chúng ta thấy câu “Nhận được Chân tâm là hết chúng sinh, là thành Phật”, nghe có vẻ dễ dàng, mà dễ thật, bởi vì hết mê là tỉnh, mê tỉnh chỉ cách nhau có một sợi tóc, cho nên nói “Phật tức chúng sinh”.  Nhưng cái khó là ở chỗ “làm sao cho hết mê, hết phiền não?”.  Câu trả lời là “phước huệ toàn vẹn cả hai thì thành Phật”.
Phải tu cả phước lẫn huệ mới đủ. Nếu thấy khó quá thì có một cách, đó là Niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn.
Chú thích.  Cụ Chánh Trí nói: Làm sao tách sóng ra khỏi nước được? , ý nói không “phá” được vọng.  Chúng tôi nghĩ rằng: Quả thật, người tu hành không tách sóng ra khỏi nước, không phá được sóng  nhưng tu, cố làm cho sóng lặng. 
 
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét