Trang

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

3. DUC PHAT XUAT GIA

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
Mùng tám tháng hai âm lịch, kỷ niệm ngày
3. ĐỨC PHẬT XUẤT GIA
 Năm 623 trước Tây lịch, tại miền Bắc nước Ấn-Độ (ngày nay là một vùng đất thuộc nước Nê-Pan), hoàng hậu Ma-Da của quốc vương Tịnh-Phạn hạ sinh thái tử Tất-Đạt-Đa, dòng Thích-Ca, họ Cồ-Đàm. Thái tử Tất-Đạt-Đa sau này chính là đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni (Phật nghĩa là giác ngộ, Mâu-Ni là hiền giả). Bảy ngày sau, hoàng hậu mất; em ruột của bà là Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Đề - tên khác là KiềuĐàm- Di - thay bà để chăm nuôi thái tử như con đẻ của mình vậy.
Khi thái tử ra đời thì nhiều đạo sĩ đến hoàng cung để xem tướng, xem số cho ngài. Đa số nói rằng thái tử sẽ là một vị quốc vương đầy quyền uy cai quản khắp thiên hạ hoặc sẽ là một vị Phật. Chỉ có một đạo sĩ A-Tư-Đà quyết đoán rằng thái tử sẽ thành Phật, ông khóc vì tiếc rằng mình sẽ chết không được gặp đức Phật ấy. Thái tử được vua cha mời các giáo sư giỏi nhất nước đến dạy mọi môn văn, võ. Môn nào thái tử cũng nổi bật và học rất nhanh chóng. Ngoài sự thông minh vượt bậc, mọi người để ý rằng thái tử thích suy tư, trầm ngâm. Truyện kể lại rằng nhân một buổi lễ hạ điền, khi các tu sĩ bà-la-môn hành lễ và tiếp đón Quốc vương xuống ruộng cầy luống đầu tiên, thái tử không tham dự mà lại ngồi tham thiền dưới một gốc cây. Một ngày nọ, em họ của thái tử là Đề-Bà-Đạt-Đa dùng cung tên bắn trúng một con ngỗng. Con ngỗng bị thương rơi gần thái tử. Thái tử bèn rút mũi tên ra và băng bó cho con ngỗng, cứu nó khỏi chết. Đề-Bà-Đạt-Đa đến đòi ngỗng, viện lý do chính mình đã bắn được nó, nhưng thái tử không chịu. Cuộc tranh giành ra trước triều đình, triều đình xử cho thái tử được giữ con ngỗng vì ngài có từ tâm cứu nó trong khi Đề-Bà-Đạt-Đa có ác tâm muốn giết nó.
 Thời đó Ấn Độ có bốn giai cấp rõ rệt là giai cấp tăng lữ bà-la-môn trông nom cúng lễ tế tự, giữ kinh Phệ-Đà, thứ đến là giai cấp vua quan lo về chính trị quân sự. Lẽ dĩ nhiên thái tử Tất-Đạt-Đa được học hỏi kỹ càng về kinh Phệ-Đà, mà giai cấp bà-la- môn cho rằng do Trời cho. Kinh này cho rằng Chúa tể của vũ trụ là Phạm- Thiên toàn quyền toàn năng, ban phát phúc, họa. Toàn thể vũ trụ là một cái Ta lớn, mà chúng sinh là một phần của cái Ta đó, là một tiểu ngã trong cái Đại ngã, do Đại ngã mà ra. Thái tử Tất-Đạt-Đa luôn luôn lật đi lật lại các vấn đề do kinh Phệ- Đà nêu ra và tìm hiểu về nỗi khổ đau của chúng sinh cùng cơ cấu của vòng luân hồi.
Vua cha muốn cho thái tử quên đi những ưu tư đó nên tìm cách lập gia đình cho thái tử. Năm 16 tuổi, thái tử thành hôn với công chúa Da-Du-Đà-La. Mãi đến năm 29 tuổi, Ngài mới có được một con trai là La-Hầu-La. Ngai vàng và vợ, con không cầm giữ ngài được, ngay sau khi có con, ngài bèn cỡi con ngựa Kiền-Trắc bỏ hoàng thành, chỉ có một người đánh xe là Xa-Nặc đi theo.

THÁI TỬ ĐI TU
Ngài dùng kiếm cắt tóc mình, rồi đưa tóc và kiếm cho Xa-Nặc ra lệnh cho Xa-Nặc mang về trình vua cha. Xa-Nặc không đành nhưng cuối cùng phải nghe theo lời Ngài.
Ngài đổi bộ y phục vương giả của Ngài lấy một bộ áo tầm thường, bộ áo vàng của nhà tu hành. Lần đầu tiên, Ngài ngồi thiền trong rừng với tư cách một nhà tu, không phải một thái tử.

THÁI TỬ CẮT TÓC
Ngài gặp một sa-môn, khi biết ý Ngài muốn học hỏi tu hành người này bèn dẫn Ngài đến gặp ông Ka-La-Ma, 70 tuổi, người cầm đầu một giáo đoàn trên bốn trăm đệ tử. Ông hướng dẫn ngài nhập định, lên đến những trạng thái tâm thần rất cao: không-vô-biên-xứ, thức-vô-biên-xứ và vô-sở-hữu-xứ thuộc cảnh giới Vô sắc. Tuy tiến bộ nhanh chóng nhưng Ngài không được hài lòng, vì ngài vẫn không tìm ra được con đường giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Ngài bèn từ biệt ông Ka-La-Ma để tầm đạo. Ngài tới gặp ông Uất-Đầu-Lam-Phất là một tu sĩ trên 70 tuổi, đứng đầu một giáo đoàn trên bảy trăm đệ tử, sống trong một khu rừng. Theo lệ của đoàn này, Ngài phải học từ bước đầu, nhưng vì Ngài đã thực tập nhiều nên chẳng bao lâu Ngài được tu sĩ dạy cho phương pháp đạt đến tầng cao nhất của Vô sắc giới là phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ. Ngài vẫn không tìm ra được đâu là cách giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Ngài xin phép tu sĩ để ra đi, lần này Ngài cố tìm đạo một mình, không nhờ vào sự giúp đỡ của ai nữa vì kinh nghiệm cho thấy, Ngài chưa thành công dưới sự hướng dẫn của hai tu sĩ. Có năm đệ tử của Uất-Đầu-Lam-Phất là Kiều-Trần-Như, Át-Bệ, Thập-Lực-Ca- Diếp, Ma-Ha-Nam-Câu-Lỵ và Bạt-Đề tự nguyện xin đi theo Ngài và được Ngài chấp thuận.

NĂM ĐỆ TỬ CỦA PHẬT
 Ngài đến núi Tượng-Đầu bên sông Ni-Liên-Thiền, chọn một mảnh rừng với những cây lớn làm nơi tu hành cùng với năm người bạn. Ngài suy nghĩ về cách thức tu hành và ngài dùng phương pháp khổ hạnh, tu ép xác như thời bấy giờ người ta vẫn làm. Người ta cho rằng coi thường cái thân này đi, không để ý tới nó nữa, bỏ qua những nhu cầu của nó thì đến lúc chỉ còn cái tâm để chú ý mà thôi.
Năm bạn tu đi khất thực và chia phần ăn cho Ngài, Ngài dùng rất ít và đến một lúc gần như không ăn uống gì nữa, mỗi ngày chỉ dùng có vài hạt mè. Ngài trở nên yếu ớt, gầy gò, da bọc xương, khi lấy tay rờ lên đầu thì từng mảng tóc rớt xuống. Mệt mỏi cùng cực, Ngài hiểu ra rằng sống lợi dưỡng cũng sai, mà sống khổ hạnh cũng sai, thân và tâm tuy là hai nhưng không thể tách ra được, thân mà yếu ớt thì tâm không thể mạnh được. Vì thế Ngài quyết định ăn uống trở lại bình thường.

ĐỨC PHẬT TU KHỔ HẠNH
Xuống sông tắm, Ngài thấy khoan khoái lạ thường, nhưng khi lên bờ Ngài không đủ sức, phải bám vào các rễ cây để leo lên. Ngài mang bát đi vào làng để khất thực nhưng yếu quá Ngài gục xuống. May mắn làm sao, một cô thôn nữ cúng dàng cơm sữa cho Ngài, Ngài hồi tỉnh và từ đó Ngài thọ thực như thường lệ. Bọn ông Kiều-Trần-Như cho rằng Ngài đã thoái chí nên bỏ đi. Ngài còn một mình trong rừng, ngồi dưới gốc cây tất-bát-la (sau gọi là cây bồ-đề) mà tham thiền nhập định… Rồi một ngày kia, Ngài thành đạo. 
---ooo0ooo---




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét