Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

27. TÁC Ý VÀ NGHIEEỆP

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ

27. TÁC Ý  VÀ  NGHIỆP
Con người ta có sáu căn là : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Năm căn đầu thuộc về vật chất (tức là sắc). Căn thứ sáu thuộc về tinh thần, chỉ có tên mà không thấy được (tức là danh). Sáu căn còn có tên là : nhãn căn, nhĩ căn, tị căn, thiệt căn, thân căn và ý căn.
Sáu căn ấy ứng với sáu trần là : sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Sáu trần còn gọi là nhãn trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần. Chữ pháp ở đây có nghĩa là những đối tượng của ý : đó là các ý nghĩ, tư tưởng, hồi tưởng, suy tính, tưởng tượng ..
Sáu căn tiếp xúc với sáu trần tương ứng, gây nên sự xúc chạm trong tâm, phát sinh sáu thức tức là sự hay biết, gồm có : nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Sáu căn và sáu trần gọi chung là 12 xứ. Thêm sáu thức vào thì gọi chung là 18 giới. 
Sơ đồ trên đây cho chúng ta biết : sắc (sắc trần = hình dạng, màu sắc) duyên với mắt (nhãn căn) làm phát sinh nhãn thức tức sự biết của mắt vv...
Tại sao cần tìm hiểu sáu căn? Vì chúng luôn luôn tiếp nhận các dữ kiện từ môi trường xung quanh, chúng là khởi điểm, chúng là gốc của mọi hoạt động trong cuộc sống của con người.
Mắt tiếp nhận hình ảnh, màu sắc, ta thấy hình ảnh, màu sắc rồi từ đó sinh ra lòng yêu thích hay ghét bỏ. Yêu thích thì nảy ra tham dục, muốn chiếm cho mình. Ghét bỏ thì muốn tránh, muốn diệt ... Tương tự với tai, mũi, lưỡi, thân.
Rồi ý tiếp nhận pháp, nảy ra ý tưởng nhanh như điện chớp, óc luôn luôn tính toán, lập kế, bày mưu, tìm lời tranh cãi, kiếm mẹo ăn thua ... Rút lại chỉ mong hơn người, cái ta thật là lớn.
Nhưng chúng ta phải hết sức chú ý đến điều này : Khi các trần tác động vào các căn, nói khác đi là các trần duyên với các căn và có sự hay biết (thức) thì các phản ứng của chúng ta tiếp theo sự hay biết đó mới là quan trọng, Các phản ứng ấy gọi là tác ý.
Tác ý của mỗi con người trước một sự việc không giống nhau. Việc này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố : giáo dục gia đình, giáo dục ở trường, khung cảnh xã hội, ảnh hưởng tôn giáo, phong tục tập quán, thói quen và nghiệp cũ. Điều đáng nói là thói quen.
Do tác ý mà có hành động của thân, khẩu, ý từ đó sinh ra ba nghiệp : thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Đức Phật đã dạy: “Tác ý chính là nghiệp”. Thật là rõ ràng và gọn! Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương Sáu Pháp, phẩm  Đáng được cung kính ), đức Phật dạy rằng :
       “ Này các tỳ kheo, hãy thực tập sáu pháp vô thượng. Những gì là sáu?
         Mắt thấy sắc, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
         Tai nghe tiếng, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
         Mũi ngửi mùi, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
         Lưỡi nếm vị, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
         Thân chạm xúc, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
         Ý đối với pháp, không ưa, không ghét – quân bình, chánh niệm, tỉnh giác.
Ai thành tựu sáu pháp ấy, xứng đáng cho chư thiên và nhân loại tôn trọng, cung kính, cúng dường, là phước điền vô thượng ở đời ”.
Chúng ta được biết câu Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền nghĩa là: Đứng trước cảnh mà không động tâm thì còn hỏi thiền làm gì, ý nói nếu tu mà đạt được mức đối cảnh vô tâm thì chẳng cần phải học cách tu thiền nữa.
Sáu trần tạo duyên cho tâm chạy lăng xăng. Chạy theo cảnh là tâm động, không chạy theo cảnh là tâm an.. Vậy, muốn hàng phục tâm, thì đừng vướng mắc vào sáu trần, chỉ ghi nhận trung thực trong thái độ buông xả, mà không phán xét, không thêu dệt. Mục tiêu của phép tu này là diệt tham sân si!
Một câu hỏi được đặt ra : tôi sống trong gia đình, trong xã hội, nếu đối cảnh mà cứ vô tâm, thế thì hóa ra tôi không còn cảm xúc gì nữa, giống như cỏ cây gỗ đá mất! Vô tâm không có nghĩa là không có tâm, vô tình, mặc kệ, mà là không bị dính mắc, không bị lôi cuốn vào, không chạy theo.
Tu đến mức  vô tâm ấy thì không phải là gỗ đá đâu, mà đầy từ bi hỷ xả. Bậc thấp thì có tác ý nhưng là tác ý hoàn toàn thiện. Nghiệp gây ra là nghiệp thiện. Bậc cao thì tác ý do từ bi hỷ xả. Đó là các bậc la-hán không còn gây nghiệp nữa.
Có một thắc mắc là: khó thực hành quá, tôi không theo được! Chúng ta phải thú nhận: thật là khó, bao nhiêu thứ chằng chịt trói buộc chúng ta mất rồi, vùng thoát ra khó nổi! Tuy vậy, đã tu là phải tập, nói tập là nói lâu dài, kiên nhẫn. Sách nói : tu nhiều kiếp.
Xin đề nghị: đứng trước cảnh thì chưa nên phản ứng ngay, chưa nên có tác ý ngay. Ta tự hỏi : cái gì đây, thiện hay ác? Rồi sau mới quyết định.
Một bà già mất con dao, nghi cho thằng bé nhà hàng xóm. Từ đó, bà ta ghét nó, thấy nó gian giảo, hư đốn. Một hôm, dọn bếp, bà ta tìm thấy con dao. Biết rằng mình nghi oan cho thằng bé, bà lại thấy nó ngoan ngoãn, đáng yêu ... Tác ý của bà già vội vàng quá, thiếu suy xét. Rút kinh nghiệm: trước cảnh, lắm khi tác ý của chúng ta sai lầm. Phản ứng của chúng ta căn cứ trên những thiếu sót hay nhửng sai lầm.
Năng đi chùa, chịu tu tập, chăm học kinh nghe giảng, chúng ta dần dần sẽ trầm tĩnh hơn và hy vọng một ngày kia sẽ đối cảnh vô tâm.
(Dựa theo bài Đối cảnh vô tâm ngày 27-8-05 của Sư Thiện Hiền).
---ooo0ooo---



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét