Trang

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

19. SÁU NẺO LUÂN HỒI

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
19. SÁU NẺO LUÂN HỒI
Kinh Pháp Hoa nói: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì “nhất đại sự nhân duyên” mà hiện ra nơi đời. “Nhất đại sự”, một việc lớn, việc lớn nhất là khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho chúng sinh. Vì thế, chư Phật trong ba đời nối tiếp nhau thuyết kinh Pháp Hoa - vua của các kinh - để chúng ta thoát ra khỏi chúng-sinh- tri-kiến mà ngộ nhập Phật-tri-kiến. 

Đối với ngừơi phàm như chúng ta, nhất đại sự chính là sự sống, chết.  Từ khi biết suy nghĩ, con người vẫn quanh quẩn với ba câu hỏi lớn: Vũ-trụ từ đâu ra?  Con người từ đâu ra?  Chết rồi, con người đi về đâu?  Cũng có khi đặt ba vấn đề khác là: Vũ trụ là gì?  Vật chất là gì?  Đời sống là gì?
Khoa học ngày nay tiến bộ rất nhiều, đã khám phá ra nhiều điều bí mật, nhưng tựu trung, các câu hỏi nêu trên chưa được trả lời rõ rệt.  Thậm chí có người nghĩ rằng: các khám phá của khoa học làm cho con người thắc mắc thêm.  Nói thế, không phải là bi quan, mà chính là để nói lên rằng các khám phá của khoa học cho biết các chi tiết càng ngày càng tỉ mỉ, càng tinh vi, đồng thời càng gợi ra cho con người thấy sự kỳ diệu của sự sống và của vũ trụ.
Đạo Phật không giải đáp vấn đề “vũ trụ từ đâu ra?”, Đức Thế Tôn đã nói: “Cũng như nước biển chỉ có một vị mặn, đạo của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, giải thoát khỏi mọi khổ đau. Với Phật nhãn, rất có thể Ngài đủ tri kiến giải đáp các vấn đề mà chúng ta mới nêu lên, nhưng chính Ngài cũng thấy rằng các việc đó không giúp được gì cho sự giải thoát.

Đạo Phật cũng không nói đến “nguyên nhân đầu tiên” sinh ra sự sống. 
Đối với đời sống hiện tại và sự luân hồi, thuyết 12 nhân duyên giải thích tại sao có đời sống có luân hồi.  Khi một người chết đi thì thân xác “trở về cát bụi”, còn thần thức đi tái sinh (thường nói là đi đầu thai).  Thần thức này chứa cái nghiệp, tức là toàn thể những gì người ta đã làm, đã nói, đã nghĩ trong kiếp này và các kiếp trước, kể hết mọi thứ tốt xấu hay không tốt xấu.  Khi một bào thai được thành hình thì nó cần đủ ba yếu tố: trứng của mẹ, tình trùng của cha và một thần thức.  Vì vậy, đời sống có ngay từ lúc bào thai được thành hình.  Khi bào thai thành người thì người này đã có sẵn cái nghiệp và hứng chịu các quả báo tốt hay xấu tùy theo cái nghiệp đó.
Đại cương là như vậy, nhưng con người không bị bắt buộc phải cắn răng chịu đựng một cách thụ động cái nghiệp ấy.  Bằng cách làm lành, nghiệp của kiếp hiện tại có thể làm nhẹ cái nghiệp xấu tích lũy từ các kiếp trước, nếu không xóa được hẳn thì cũng làm nhẹ được, đồng thời gây nhân lành cho các kiếp sau. Vì thế người ta nói rằng: kiếp này ra sao là do các kiếp trước gây ra, kiếp sau ra sao là do kiếp này và các kiếp trước gây ra.  Và, điều đáng nhấn mạnh là: bản thân ta có đủ năng lực để chuyển nghiệp xấu thành nghiệp nhẹ hơn hay nghiệp lành, hoặc là chuyển nghiệp lành thành nghiệp lành hơn, bản thân ta chịu trách nhiệm về đời sống của ta trong kiếp này và trong các kiếp sau nếu còn luân hồi.
Luân Hồi
Trong một gia đình, một đoàn thể, một xã hội, có một nghiệp chung, ấy là cộng nghiệp, khác với nghiệp riêng của mỗi cá nhân tức là biệt nghiệp.  Bao nhiêu triệu người Việt Nam, tất cả đều chịu một cộng nghiệp trong mấy chục năm chiến tranh tàn khốc vừa qua, nhiều ít đều bị ảnh hưởng xa gần, trực tiếp, gián tiếp của bom đạm, chém giết, cướp bóc, tàn bạo.  Tuy thế cách chịu đựng của mỗi người không giống nhau, vì mỗi biệt nghiệp mỗi khác.

Khi nói đến đầu thai, đến kiếp khác, đôi lúc người ta chỉ nghĩ đến đầu thai thành người. Thật ra, có sáu đường để đầu thai gọi là lục đạo: ba ác đạo là địa ngục, ngã qủy, súc sinh và ba thiện đạo là: a-tu-la, nhân, thiên.  Đó là sáu nẻo luân hồi. Vì thế phải dùng chữ tái sinh mới đúng. Bốn đường khác: thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật là bốn thánh đạo, không còn sinh tử luân hồi như sáu đường nói trên.
Sáu nẻo luân hồi

Tất cả mười đường này còn có tên là “thập pháp giới”.  Và, theo một quan niệm của tông Thiên Thai, thì con người thoắt đổi từ pháp giới này qua một pháp giới khác, không phải đợi đến lúc đầu thai, kiếp này, kiếp khác.  Nghe hơi lạ tai, nhưng sự thực thì đó là một cách nhìn theo khía cạnh tâm lý như sau:
Địa ngục       Khổ triền miên        Enfer
        Ngã quỷ                        Thèm khát                Rapacité
        Súc sinh           Ham muốn               Animalité
        A-tu-la                Tức giận                   Colère
        Nhân                  Bình thường                        Humanité
        Thiên                 Hỷ lạc                                    Extase
        Thanh văn        Siêng tu                    Etude
        Duyên giác       Suy tư                                   Réflexion
        Bồ -tát               Bồ-tát tính                 Nature de Boddhisattva

        Phật                   Phật tính                   Bouddhéité  
Đang là người, biết kìm hãm dục vọng, biết lẽ phải, biết sống hài hòa với mọi vật quanh mình, bỗng nổi nóng điên khùng, ấy là đã biến thành a-tu-la, hoặc bỗng cảm thấy hoan lạc như mới nhận được một thứ gì mình mong mỏi, một ước mơ đã thành, thì đã bước lên bậc thiên v.v...  Đó là quan niệm “Nhất tâm cụ thập pháp giới” (một tấm lòng chứa đủ mười cõi pháp giới).  Nghĩ rộng ra nữa, cách trình bày trên chưa được đủ, xin đề nghị cách nói như sau: mỗi chúng sinh ở trong một pháp giới đều có đủ tiềm năng để tới chín pháp giới kia, dù là trong một khoảnh khắc, dù là trong một hay nhiều lần tái sinh.
Thần thức đi tái sinh, nói nôm na là hồn đi tái sinh.  Gọi là hồn, hay thần thức không có gì quan trọng. Nhưng điểm đáng nhớ là: đạo Phật không quan niệm một linh hồn trường cửu.  Nói rằng không có linh hồn là sai, nói rằng có linh hồn trường cửu cũng sai; hai xác ngôn ấy đều là biên kiến cả. Đạo Phật chỉ quan niệm hồn là một thứ vô hình tích lũy, ngậm chứa tất cả cái nghiệp của cá thể, mang cái nghiệp đó đi tái sinh.
Sự chết đối với đạo Phật, không phải là hết.  Sự chết cũng không phải là tận  cùng bằng sự thưởng phạt lên thiên đường hay xuống địa ngục vĩnh viễn.  Sự chết chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp từ một kiếp sống này qua một kiếp sống khác.  Đời người như một trang giấy, đọc đến hết trang là phải giở sang trang khác; đó là chết và sang kiếp khác.  Cứ mỗi lần sang trang là sang một kiếp mới. Sự so sánh chỉ tạm ổn, vì đối với Phật học, không thể biết đời sống bắt đầu từ bao giờ (vô thủy =  không có chỗ bắt đầu), nên sách không có trang đầu tiên, nhưng có thể thoát vòng sinh tử luân hồi được (hữu chung = có chỗ chấm dứt).  Tuy vậy, Pháp tính luôn luôn thấm nhuần hết thảy mười phương pháp giới. Chúng ta hay dùng danh từ Pháp tính để áp dụng cho vạn pháp, còn danh từ Phật tính để áp dụng cho chúng sinh.
Phật tính này có nhiều danh từ để gọi, nhưng không có danh từ nào diễn tả nổi, vì nó vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người, ngoài ý niệm của con người, đó là một thứ “vô niệm”, chỉ có thể “nhập” được khi nào đã “chứng ngộ”, đã “giải thoát”. Phật tính này thấm nhuần vạn pháp, là sự sống, khắp không gian, suốt thời gian.  
Phật tính thấm nhuần vạn pháp, nên vạn pháp là bình đẳng.  Bình đẳng là theo nghĩa đó, theo nghĩa “cùng có Phật tính”, chứ không phải bình đẳng về phương diện vật chất, kinh tế hay chính trị.  Vạn pháp sai biệt nhau về hình tướng, hình tướng chỉ là bề ngoài, vô thường giả hữu, nhưng bản thể của vạn pháp là một, một này là Phật tính vậy.  Cái một ấy mới là cái thật, vì thế mới gọi “nhất chân bình đẳng pháp giới”.  Nếu dịch chữ sùnyattà là không (vide, vacuité) và cũng dịch là bình đẳng (égalité, identité), thì cái “không” này chính là Phật tính bình đẳng vậy.  “Không” là chẳng có tự tính riêng rẽ, mà bản thể chung là Phật tính, nên có thể nói “không” (hay Chân Không), chính là Phật tính vậy.
Thôi không còn vướng mắc vào vòng luân hồi nữa, thì khỏi còn đâu thai, khỏi còn tái sinh. Bấy giờ thần thức lên cảnh giới của bốn đường Thánh: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật. Vào cảnh giới Niết-bàn nghĩa là thoát vòng sinh tử luân hồi, nghĩa là không còn cái ta, cái ngã riêng mà là thể nhập vào cái chân ngã, cái chân như, tức là Pháp thân Phật. Chứng nhập Niết-bàn nghĩa là các nghiệp đều đã thanh tịnh cả, thân, khẩu, ý đều thanh tịnh, không còn nghiệp thì không còn báo, không còn luân hồi!
Nhìn vào hiện tượng giới, nhận thấy khổ, vô thường, vô ngã và tu hành để nhập Niết -bàn tịch tĩnh là một giai đoạn.  Nhìn vào bản thể, nhận thấy Pháp tính chung cho vạn pháp và chốn, suốt thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai, mới “chiếu thập phương quốc độ vô sở chướng ngại”, mới “thọ lượng vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp” được, mới “tự giác, giác tha” và như thế mới gọi là “tâm Phật không đâu không từ bi”, mới gọi là “thập phương tam thế Phật, A-Di-Đà đệ nhất”.  Có từ bi làm đức hạnh đệ nhất thì mới cứu chúng sinh trong sáu nẻo không ngưng nghỉ, không mệt 
chốn, suốt thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai, mới “chiếu thập phương quốc độ vô sở chướng ngại”, mới “thọ lượng vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp” được, mới “tự giác, giác tha” và như thế mới gọi là “tâm Phật không đâu không từ bi”, mới gọi là “thập phương tam thế Phật, A-Di-Đà đệ nhất”.  Có từ bi làm đức hạnh đệ nhất thì mới cứu chúng sinh trong sáu nẻo không ngưng nghỉ, không mệt mỏi.  Để cứu chúng sinh, chư Phật không trụ ở Niết-bàn mà xuống cõi Sa- bà. Vì thế kinh Lăng Già nói: “Đối với chư Phật không có Niết-bàn”!
“Sống gửi, thác về”. Hãy sống thế nào để lúc thác được về với Phật, được nhập Niết- Bàn, được hòa vào Pháp thân Phật! Khó lắm thay mà cũng hy vọng lắm thay! Khi tụng Bài kệ khai kinh:
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,            Phật pháp cao siêu rất nhiệm mầu
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ                 Nghìn muơn ức kiếp dễ hay đâu
Ngã kim kiến văn đắc thụ trì                        Con nay nghe, thấy xin vâng giữ

Nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa.        Nguyện giải chân nghĩa của Như Lai.
rồi nghe Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát dạy mười điều nguyện rằng:
            Kính lễ chư Phật.      
            Xưng tán Như Lai.
            Quảng tu cúng dường.
            Sám hối nghiệp chướng.
            Tùy hỷ công đức.
            Thỉnh chuyển pháp luân.
            Thỉnh Phật trụ thế.
            Thường tùy Phật học.
            Hằng thuận chúng sinh. 
            Phổ giai hồi hướng.

Người Phật tử đã rõ phải hiểu lý và hành như thế nào rồi. Con đường đã vạch, chỉ còn phải lên đường mà thôi! 
Lang thang sáu nẻo luân hồi
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét