Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

LÀNG NGHỀ THỔ CẨM Ở TÂY NGUYÊN




LÀNG NGHỀ THỔ CẨM Ở TÂY NGUYÊN
---o0o---
Người phụ nữ Tây Nguyên luôn tự hào về nghề truyền thống của mình bởi đây là bản sắc văn hóa như đã trong máu thịt, từ thế hệ này sang thế hệ khác.



Và với nghề dệt thổ cẩm của người phụ nữ Tây Nguyên, bản sắc văn hóa ấy như đã ở trong "máu thịt", từ thế hệ này sang thế hệ khác, những bà mẹ đã truyền dạy cho cháu con và cứ thế, nối tiếp theo thời gian. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm ở Tây Nguyên đã có một số biến đổi để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống mới, nhưng dù thế nào thì người phụ nữ Tây Nguyên vẫn luôn tự hào về nghề truyền thống của mình...
Ngày nay, tìm một phụ nữ làm nghề dệt thổ cẩm ở Ea Nao không khó, song mấy ai biết con đường đến với nghề dệt của những phụ nữ say mê với nghề này gian truân biết bao - chị H'Yam BKông tâm sự với chúng tôi như vậy. Chị bảo, ngày trước phụ nữ Ê Đê ở Ea Nao này, chủ yếu sống bằng nông nghiệp, đa số đều ít chú ý đến nghề nghiệp khác, ngoài mùa màng thì không biết làm gì. Thấy vậy, tôi mạnh dạn đứng ra lập Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm, lấy tên hai buôn ở xã này đặt tên cho HTX, đó là HTX Dệt thổ cẩm Tơng - Bông. Tôi mạnh dạn như thế vì biết các bà mẹ, các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số vùng này đều biết dệt và dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của từng gia đình. Vì thế khi tôi quyết định vận động chị em phải phát huy nghề, lưu giữ nghề, mà lại có thêm thu nhập chị em mừng lắm, những lúc nông nhàn có "đồng ra, đồng vào" ai mà không thích. Đây cũng là việc làm phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước để làm tăng thu nhập cho bà con, góp phần xóa đói nghèo, do vậy khi hình thành HTX, các cấp ủy đảng, chính quyền đều ủng hộ.
Nói vậy, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, thì để có sản phẩm phù hợp với thị trường, người sáng lập ra HTX này đã dày công tìm hiểu không biết bao nhiêu thị trường, làm quen với sự biến đổi của thị hiếu và hướng dẫn bà con làm ra sản phẩm để thị trường có thể chấp nhận.
Chị đã đi không biết bao nhiêu hội chợ, tìm hiểu ở các tỉnh bạn và mở cửa hàng tiêu thụ ở nơi có nhu cầu, sau đó lại về hướng dẫn bà con dệt những mẫu mã mà người tiêu dùng thích, cứ thế HTX tiến dần, tiến dần...
Chị H'Yam kể rằng, để dệt thổ cẩm, HTX phải cải tiến dệt nhặt hoa văn tạo ra nhiều mẫu mã, rút ngắn thời gian dệt và làm ra nhiều sản phẩm hợp thời trang. Ngoài các sản phẩm truyền thống, HTX còn dệt được những túi xách, túi đeo, ví nam, ví nữ, gối... Đến nay HTX Dệt thổ cẩm Tơng-Bông xã Ea Nao (TP Buôn Ma Thuột, Đác Lắc) đã thu hút được 42 xã viên và 100 lao động làm theo thời vụ, những người này đều là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, mức thu nhập một triệu đồng/người/ tháng, đó là mức "sống được" của bà con ở xã Ea Nao này.
Ngoài số lao động tại chỗ, HTX còn truyền nghề cho 60 lao động ở xã Ea Trul, xã Yang Ré, huyện Krông Bông để làm nền tảng cùng phát triển và có thêm lao động cho HTX. Chị H'Yam BKông còn cho biết thêm: Bên cạnh nghề dệt thổ cẩm, HTX còn kết hợp với Hội Phụ nữ tạo điều kiện cho xã viên phát triển chăn nuôi bò, lợn, dê... để tăng thêm thu nhập và tạo sự liên kết giữa phụ nữ địa phương với HTX. Thế mới biết, để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, để nghề truyền thống có thể trở thành công cụ mưu sinh trong cuộc sống mới là không dễ, nếu không có người năng động, dám làm.
Hiện nay, ở một số buôn trên địa bàn huyện Cư Giút (Đác Nông) vẫn còn nhiều nghệ nhân giữ gìn những bí quyết của nghề dệt thổ cẩm. Họ đang ngày đêm dốc hết tâm huyết cho việc truyền dạy, bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, điển hình là nghệ nhân Mí Dung ở buôn Nui, xã Tâm Thắng. Theo lời kể của Mí Dung, năm lên 10 tuổi, bà đã thích ngồi xem mẹ mình dệt, sau đó quyết tâm học bằng được cách dệt thổ cẩm và trở thành người dệt thổ cẩm thành thạo, điêu luyện.
Theo Mí Dung, để dệt xong một cái chăn phải mất khoảng 20 ngày, một cái váy mất khoảng 10 ngày, chiếc áo năm ngày, cái túi xách hai ngày. Chỉ với một khung dệt đơn giản, những cuộn len, sợi chỉ, dưới đôi tay điêu luyện của bà đã trở thành những tấm thổ cẩm rất đẹp, và rất tinh xảo. Những nét hoa văn trang trí ở đường viền chân váy, cổ áo, tay áo... có dạng hình thoi, hình tam giác kết nối vào nhau và được điểm thêm vào bằng nhiều hình ảnh từ thiên nhiên như hoa, chim, thú... Không những thế, bà còn có nhiều sáng tạo, cách tân trong những sản phẩm làm ra từ thổ cẩm như váy, túi xách phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ nhưng không làm mất đi nét đẹp truyền thống của các họa tiết, những nét đặc thù của nghệ thuật tạo hình Tây Nguyên. Những sản phẩm bà dệt ra thường bán cho khách du lịch đã góp phần không nhỏ vào thu nhập của gia đình. Điều đáng ghi nhận ở Mí Dung là với ý thức mong muốn bảo tồn và lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, bà đã tự nguyện giảng dạy và truyền nghề cho con cháu và những học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của buôn Nui, buôn Buôr và buôn Trum ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Giút. Các học viên đã được Mí Dung hướng dẫn tận tình từ đường kim mũi chỉ, cách làm thế nào để có được những sản phẩm tinh xảo. Ngoài những giờ lên lớp, bà còn chỉ bảo cho các học viên khi về gia đình thực tập, những chỗ nào học viên còn sơ sót là bà đến nhà để chỉ dẫn ngay, thậm chí bà còn đứng ra tiêu thụ giúp các sản phẩm do học viên làm ra.
Để tìm hiểu thêm về nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Tây Nguyên, chúng tôi tìm đến xã Glar, huyện Đác Đoa (Gia Lai), đây là nơi mà nghề dệt thổ cẩm đang rất được xem trọng, cũng là một trong những trung tâm về thổ cẩm của tỉnh Gia Lai. Có người bao tiêu sản phẩm với giá thành tương đối, vậy là đủ để người dân Glar có hứng thú giữ nghề, một làng nghề có quy mô, thành hình tại một vùng đất không xa TP Plây Cu. Phải nói rằng, ở đây, chính quyền từ tỉnh đến xã đã có nhiều hoạt động để khuyến khích, thúc đẩy việc phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Glar.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến đầu tư của tỉnh mở lớp dạy thổ cẩm ngay tại địa phương, thu hút hơn 50 học viên theo học. Giảng viên là một số "lão nghề" trong xã. Những lớp học như vậy tuy chưa giúp gì nhiều cho làng nghề, nhưng thể hiện sự quan tâm của ngành chức năng cũng như là niềm vui, là sự khuyến khích những người yêu nghề. Bà Mlop, một trong những người có những đóng góp để nghề dệt thổ cẩm ở xã này phát triển và sản phẩm thổ cẩm làm ra từ Glar hầu hết do bà bao tiêu. Bà cho biết, để phát triển nghề truyền thống, cần phải có sự nỗ lực của những người mong muốn lưu giữ nghề, và phải sáng tạo, luôn làm cho sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng...
Trong nỗ lực phục hồi, hình thành những làng nghề ở tỉnh Gia Lai, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh còn mở thêm những lớp dạy dệt thổ cẩm ở Kon Dơng (huyện Mang Yang), đào tạo kỹ năng làm các mặt hàng mỹ nghệ. Các lớp học này đã thu hút hàng trăm học viên, và kết quả ban đầu cũng rất khả quan. Một trong những nghề mới là sản xuất các đồ lưu niệm từ nguồn mây, tre, lá có sẵn ở một số địa phương như Kông Chro, Chư Prông. HTX công - nông nghiệp Ia Lâu hình thành từ hơn hai năm nay đã phát huy hiệu quả. Hơn 200 hộ ở hai xã Ia Lâu, Ia Mơr (huyện Chư Prông) tham gia vào HTX này, có thu nhập tương đối ổn định với mức khoảng 40-50 nghìn đồng/ngày. Hàng sản xuất được chuyển về thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) tiêu thụ. Phát huy thành công đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai vừa thành lập HTX công - nông nghiệp Đak Kơ Ning (Kông Chro). Ông Trương Minh Thu, Phó Giám đốc phụ trách trung tâm cho biết: Đây thật sự là cơ hội để người dân lao động sáng tạo và từ đó nâng cao đời sống. Do nguồn nguyên liệu khá phong phú, đầu ra cho sản phẩm cũng khá ổn định, cho nên dự tính khi HTX này đi vào hoạt động, hàng trăm hộ người dân tộc thiểu số ở địa phương sẽ có thêm điều kiện để phát triển cuộc sống.
Lưu giữ, phát triển nghề truyền thống đối với phụ nữ Tây Nguyên là một niềm say mê, ai cũng biết nghề, và được lưu truyền đến ngày nay. Nhưng trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại, niềm say mê ấy có khả năng sẽ suy giảm nếu không được sự động viên, khuyến kích và tạo điều kiện phát triển.
Chính vì thế, thiết nghĩ, đây không chỉ là câu chuyện thuộc về vai trò của phụ nữ, mà phải có sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các cấp, các ngành để những nghành nghề truyền thống, như nghề dệt thổ cẩm chẳng hạn, vừa được lưu giữ, vừa giúp mang lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống.
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét