Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

LÀNG NGHỀ TẠC TƯỢNG BẢO HÀ



Làng nghề tạc tượng Bảo Hà

---o0o---

Từ thị trấn huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đi theo đường 10 chừng 3 km về hường Thái Bình, rẽ trái hỏi thăm xã Đồng Minh rồi vào làng Bảo Hà - một làng có nghề tạc tượng truyền thống. 
Làng Bảo Hà xưa gọi là làng Linh Động thuộc địa phận xã Đồng Minh huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Hiện nay, trong miếu thờ của làng có thờ Đức Linh Lang, một vị tướng thời Trần. Ngoài ra còn có thờ tổ nghề tạc tượng của làng là Nguyên Công Huệ, người được thờ chung miếu với thành hoàng làng, là người tạc tượng giỏi, bị nhà Minh bắt đi phục dịch. Trong thời gian phục địch cho nhà Minh, người đã học được nhiều từ các bạn thợ của mình. 
Sau ngày nước ta thoát khỏi ách đô hộ cụ về làng, nghề tạc tượng Linh Động được phục hồi và phát triển. Người dân nơi này đã nhớ ơn cụ đã phục hồi và phát huy nghề tạc tượng của làng nên thờ cụ cùng miếu với thành hoàng làng. Các học trò và hậu duệ của cụ như Tô Phú Vượng, Hoàng Đình Ức,… đã phát triển nghề này và biến Linh Động trở thành một làng nghề tạc tượng nổi tiếng khắp vùng.
Sự nổi tiếng này thể hiện qua các sắc phòng của các triều vua cho Tô Phú Vượng (sắc Vĩnh Hựu, đời Lê năm thứ hai ngày 24 tháng 12) “ Sắc cho huyện thừa kỳ tài bá là Tô Phú Vượng vì làm việc lâu nay, cho làm huyện thừa, chức có thể làm Tiến Công Thứ Lang Huyện Thừa Huyện Gia Định”. Ngoài ra còn có các lệnh chỉ cho Tô Phú Vượng của vua Lê Cảnh Hưng; sắc phong của Hoàng Đình Ức năm Cảnh Hưng thứ 32.
Hiện nay, cụm di tích lịch sử văn hóa miếu Ba Xã và chùa Mưỡu còn gìn giữ rất nhiều pho tượng đẹp, là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tiêu biểu cho một phong cách tạc tượng Việt Nam. Các tác phẩm điêu khắc ở đây mang một sắc thái riêng, nó gần gũi với cuộc sống đời thường. Đó là những pho tượng mỹ nữ chúm chím môi trái đào, tóc buông dài, vạt áo cài lệch. Rồi những pho tượng quan văn mặt đăm chiêu tư lự… Đặc biệt, có pho tượng đức thánh- hoàng tử- Linh Lang do đức tổ nghề tạo tác có cấu trúc các thành phần cơ thể theo nguyên tắc con rối, nên có thể đứng lên, ngồi xuống, giang tay, duỗi chân.
Nghề tạc tượng của Bảo Hà đã vượt ra khỏi biên giới của một làng, Các nghệ nhân tạc tượng làng Bảo Hà đã đi nhiều nơi trong và ngoài vùng như: Ninh Giang (Hải Dương), Tiên Lãng ( Hải Phòng), làng Nguyễn (Đông Hưng- Thái Bình)… để làm tượng chùa, làm quân rối cho các phường rối… Những tác phẩm tạc tượng do những nghệ nhân làng Bảo Hà làm ra mang có phong cách nghệ thuật riêng và rất độc đáo, và có uy tín, chiếm được cảm tình của nhiều nơi.

Bên canh nghề làm tạc tượng còn có nghề chạm khắc và biểu diễn quân rối cạn. Theo các cụ trong làng cho biết: sự ra đời của nghệ thuật rối cạn cổ truyền làng Bảo Hà là do chính nghề chạm khắc tượng của làng. Do nhận các “đơn đặt hàng” làm quân rối cho các phường rối mà các cụ nghĩ đến việc xây dựng một phường rối cạn, từ đó nghề rối đã ra đời. Hơn nữa, trong các trò chơi cổ truyền của làng còn được lưu giữ đến nay như: tổ tôm điếm, tam cúc điếm, thả đèn trờ, thả diều, làm con giống…. cũng ít nhiều liên quan đến nghề tạc tượng.
Đến Bảo Hà, người ta còn có thể thưởng thức rối nước của phường rối nước Minh Tân do nghệ nhân Đào Minh Tuân thành lập và đang hoạt động như một mô hình mới trong công tác bảo tồn vốn văn hóa cổ truyền..
Đi cùng với nghệ thuật múa rối nước, rối cạn, nghệ thuật tạc tượng, ở Đồng Minh còn có cơ sở khá quy mô của một hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sơn mài, Những năm 1972- thời kỳ vàng son của nghề sơn mài, những mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao và khuyến khích tài năng của nghề cổ truyền này. Những tấm gỗ lát, gỗ tạp, những đoạn nứa dược các nghệ nhân làm nên những bức tranh, những khay, những đĩa sơn mài bóng loáng sâu thẳm và huyền ảo với những phòng cảnh quê hương những kỳ tích của đất nước…được các nghệ nhân trẻ thể hiện bằng chất liệu sơn mài tỉ mỉ, có giá trị nghệ thuật và giá trị kinh doanh cao trên thị trường.
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét