Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

LÀNG MÂY TRE ĐAN NINH SỞ - HÀ NỘI



Làng nghề mây tre đan Ninh Sở, Hà Nội
---o0o---
Về Ninh Sở, một xã nằm bên dòng sông Hồng lộng gió, bạn sẽ bắt gặp khung cảnh đông vui nhộn nhịp hiếm thấy ở một làng quê vì luôn có những đoàn khách nước ngoài đến thăm quan, đặt hàng và không ngớt lời trầm trồ khen ngợi trước bàn tay khéo léo, tài hoa của những người dân nơi khởi thủy của nghề tre đan nổi tiếng.
Theo như lời kể của các cụ cao tuổi, những người dân ở đây vốn thuộc đất Thăng Long xưa. Vì không có đất và do cuộc sống khó khăn, họ đã phải tạo ra các công cụ sản xuất để có thể đơm đó, đánh lờ, đan giỏ mò cua, bắt ốc… Chính do nhu cầu sản xuất đó mà nghề đan lát được phát triển, không những sản xuất đủ dùng mà còn mang bán sang các vùng lân cận. Những  ngày  ấy cách đây cũng đã trên ba trăm năm.
Gọi là hàng tre đan nhưng người Ninh Sở lại sử dụng các nguyên liệu chủ yếu là nứa, giang hay lùng..., là những loại cây thuộc họ tre nhưng rất dẻo và có đốt thưa. Người thợ ở đây từ xưa đã rất khéo léo và tài tình trong việc phối hợp các loại vật liệu để tạo ra không chỉ sự đa dạng của sản phẩm mà còn tạo cho sản phẩm những nét tự nhiên hết sức quyến rũ… như mây để làm quai, cuốn cạp; cây guột, cây tế tạo nét hoang dã của núi rừng.
Sử dụng nguyên liệu là cây giang, cây nứa tưởng như đơn giản nhưng thực ra cũng khó. Nứa già làm cạp, nứa vừa làm nan, nứa non phải chuốt nan rất mỏng để tết hoa, tết các hoạ tiết trang trí.  Đây là một nghề đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo thực sự. Kỹ thuật chẻ nan yêu cầu phải biết lách con dao sao cho độ dày mỏng thật đều, thật phẳng thì sau đan mới đẹp, phải biết chọn từng cái cật, dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng. 
Đã thế, nguyên liệu cũng phải được bảo quản cẩn thận ở chỗ cao ráo, tránh mục mọt. Nứa, giang cạo tinh gặp nắng rất trắng, gặp mưa là mốc, có khi nan phải đem sấy khô, thậm chí phải ngâm chống mọt …  Kỹ thuật nhuộm nan cũng là cả một kỳ công để sao cho nan không bị phai, tạo nên một thế giới màu sắc phong phú trên những giỏ hoa, bình hoa, rổ đựng hoa quả, hộp đựng quần áo, giỏ trồng cây, khay đựng đồ…
Nghề tre đan Ninh Sở phát triển tinh vi đến mức người nghệ nhân có thể nhìn vào ảnh, nghĩ ra cách đan để tạo thành những bức tranh chân dung hoặc tranh phong cảnh. Đây không còn là hàng tre đan với nghĩa bình thường nữa mà là những tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ cũng chính vì vậy, khách nước ngoài rất chuộng hàng tre đan ở đây và nghề đan lát  Ninh Sở đang hứa hẹn một tương lai vô cùng tươi sáng.
---ooo0ooo--

Không có nhận xét nào: