Trang

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

DANH LAM THẮNG CẢNH NHẬT BẢN (1/2)



DANH  LAM THẮNG CẢNH NHẬT BẢN (1/2)
Nguồn : Wikipedia
---o0o---
Quần thể chùa Horyuji
Quần thể kiến trúc Phật giáo khu vực chùa Horyuji là một di sản thế giới (văn hóa) của Nhật Bản. Quần thể bao gồm 48 vật thể và kiến trúc thuộc chùa Horyuji và chùa Hokiji ở thị trấn Ikaruga, tỉnh Nara. Một vài trong số đó có từ thế kỷ 7 hay thế kỷ 8. Địa điểm này là nơi Phật giáo được truyền vào Nhật Bản. Quần thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Vương quốc Ryũkyũ’
Vương quốc Ryūkyū' (Lưu Cầu Quốc) là một vương quốc độc lập thống trị phần lớn quần đảo Ryukyu từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Các Quốc Vương của Ryukyu thống nhất đảo Okinawa và mở rộng vương quốc đến quần đảo Amami ngày nay là tỉnh Kagoshima, và quần đảo Yaeyama gần Đài Loan.
Thành Himeji
Thành Himeji (Cơ Lộ thành) là một tòa thành cổ của Nhật Bản ở thành phố Himeji, tỉnh Hyōgo. Đây là một trong những kiến trúc cổ nhất còn sót lại ở Nhật Bản, là kiến trúc tiêu biểu cho các thành quách thời cận đại của Nhật Bản. Himeji đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới (văn hóa) vào năm 1993 và di tích lịch sử đặc biệt của Nhật Bản. Nhiều bộ phận khác nhau của thành Himeji đã được công nhận là quốc bảo hoặc di sản văn hóa quan trọng của quốc gia. Thành Himeji cùng với thành Matsumoto và thành Kumamoto hợp thành cái gọi là "Ba tòa thành quý của quốc gia (tam đại quốc bào thành")". Trong ba thành, thì Himeji nổi tiếng nhất.
Khu tưởng niệm Hòa Bình Hiroshima
Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima thường được biết đến với cái tên Vòm bom nguyên tử (Genbaku Dome) là Di sản thế giới ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Được thừa nhận năm 1996, khu tưởng niệm này là một phần của Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima.
Đây vốn là một tòa nhà được kiến trúc sư Jan Letzel người Séc thiết kế, hoàn thành xây dựng tháng 04 năm 1915 với tên gọi Nhà triển lãm thương mại tỉnh Hiroshima. Tòa nhà chính thức mở cửa phục vụ công chúng tháng 08 cùng năm. Nó được đổi tên thành Phòng trưng bày sản phẩm tỉnh Hiroshima năm 1921 và đổi tên một lần nữa vào năm 1933 thành Phòng xúc tiến công nghiệp tỉnh Hiroshima.
Ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng chống lại loài người đã nổ gần như ngay trên đầu tòa nhà này (tâm điểm vụ nổ cách nó 150m) và đây là công trình gần vụ nổ nguyên tử nhất chịu được sức công phá. Tòa nhà được bảo tồn nguyên trạng ngay sau vụ nổ. Ngày nay, nó là lời nhắc nhở về sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân và là biểu tượng của ước mơ hòa bình cho thế giới cũng như mong muốn loại bỏ hết vũ khí hạt nhân.
Di sản văn hóa Kyoto
Di sản văn hóa cổ đô Kyoto là tên gọi quần thể chùa chiền Phật giáo, đền thờ của đạo Shinto và lâu đài Hoàng gia tại các thành phố Kyoto, thành phố Uji (đều thuộc tỉnh Kyoto) và thành phố Otsu (thuộc tỉnh Shiga) của Nhật Bản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1994.
Thành phố Nara
Thành phố Nara thuộc tỉnh Nara, ở vùng Kinki của Nhật Bản. Nara hiện tại nằm trên khu vực của kinh đô Heijo-kyo được thành lập vào năm 710. Thành phố này đẹp và nổi tiếng nhất Nhật Bản trong thời kỳ trưóc năm 784, khi thủ đô của Nhật được chuyển đến nơi khác. Lịch sử Nhật Bản gọi thời này là thời kỳ Nara. Tên chính thức của thủ đô thời đó được gọi là Heijo-kyo, nhưng còn được gọi là thủ đô Nara có lẽ còn do vị trí của thành phố. Cố đô Nara rất nổi tiếng và có lẽ người nước ngoài nào tại Nhật cũng muốn được đến Nara dù chỉ một lần.
Bức tường bao quanh thành phố dài khoảng 4,3 km từ phía Đông đến Tây, và 4,8 km từ phía Bắc đến Nam. Có một con đường rộng thiết kế theo kiểu Trung Hoa, rộng khoảng 80 m chạy từ phía Bắc đến Nam ở giữa khu vực trung tâm. Con đường này chạy đến cung điện Heijo, khu vực mà vua và các văn phòng trung ương được đặt ở đó.
Vào thời Nara, đạo Phật được chính quyền ủng hộ mạnh mẽ. Chính vì vậy, nhiều ngôi chùa lớn đã được xây dựng tại Nara và vẫn còn lại cho đến tận ngày nay. Hồi đó, việc xây dựng những ngôi chùa lớn thờ Phật được nghĩ rằng sẽ bảo vệ vua và nước Nhật. Vào thời gian này, Nhật có quan hệ rất tốt với Trung Quốc, lúc đó là thời nhà Đường đã phát triển cực thịnh, và Nara đã là nơi tiếp thu những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của thời Đường. Những công trình xây dựng, nghệ thuật, điêu khắc... thời đó vẫn còn lại đến này nay và được xếp vào tài sản quốc gia của đất nước hoa anh đào.
Thánh địa Kii
Thánh địa và đường hành hương vùng núi Kii là quần thể các kiến trúc chùa chiền, đền thờ và đường hành hương ở vùng núi Kii trải qua các tỉnh Mie, Nara, và Wakayama ở vùng Kinki của Nhật Bản. Ngày 7 tháng 7 năm 2004, quần thể này được UNESCO công nhận là di sản thế giới (văn hóa).
---ooo0ooo---


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét