Trang

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

CÔN TRÙNG LỚN NHẤT (2/2)



NHỮNG CÔN TRÙNG LỚN NHẤT HÀNH TINH (2/2)
---o0o---
6. Bọ que khổng lồ (Giant Stick Insects)
Đây là loài bọ dài nhất trên thế giới với chiều dài có thể lên tới 61 cm. Loài bọ que khổng lồ sinh sống ở vùng Đông Nam Á này đã tiến hóa theo hướng “kéo dài” cơ thể như vậy để ngụy trang trong các cành cây trước những kẻ săn mồi.
Một số loài bọ que còn có thể phóng ra mùi hôi rất khó chịu để tự vệ, tuy nhiên chúng hầu như không gây hại cho con người và thường được nuôi làm cảnh.
7. Bướm đêm Atlas (Atlas Moth)
Loài bướm đêm này được đặt tên như vậy vì các hoa văn trên cánh của nó trông giống như các bản đồ Atlas. Đây là loài bướm đêm thuộc họ Ngài Hoàng đế sinh sống ở các rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Đông Nam Á.
Bướm đêm Atlas được xem là loài bướm đêm lớn nhất trên thế giới với tổng diện tích bề mặt cánh lên tới khoảng 400 cm2. Sải cánh của chúng cũng thuộc loại lớn nhất, từ 25–30 cm. Bướm cái có kích thước lớn hơn và trọng lượng nặng hơn bướm đực.
Ở Việt Nam, loài bướm này hay được gọi là bướm khế vì nó thường đẻ trứng và sinh sống trên cây khế. Đây là một trong 3 loài bướm có tên trong Sách đỏ Việt Nam gồm bướm khế, bướm đuôi dài và bướm phượng.
8. Dế Weta khổng lồ (Giant Weta)

Loài dế khổng lồ này chủ yếu xuất hiện ở New Zealand và là một ví dụ điển hình về những loài vật “khủng” trên hòn đảo bị cô lập. Loài dế này có chiều dài lên tới 15 cm và nặng tới 71g.
Trước khi loài chuột xuất hiện trên hòn đảo này, dế Weta khổng lồ với bộ răng sắc nhọn và cực khỏe của mình đóng vai trò như một loài gặm nhấm nhỏ trong hệ sinh thái. Tuy nhiên loài dế khổng lồ này không gây hại cho con người. Ban ngày chúng thường ẩn nấp ở những nơi kín đáo và chỉ ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm.
9. Bọ Héc-quyn (Hercules Beetle)
Bọ Héc-quyn là loài lớn nhất và nổi tiếng nhất trong họ Kiến Dương (Rhinoceros Beetle). Chúng có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và Caribbees.
Chúng có tên gọi này nhờ sức khỏe phi thường với khả năng nâng bổng trọng lượng gấp 850 lần trọng lượng cơ thể và một số con đực có thể dài tới 17 cm. Con cái thường có cơ thể lớn hơn nhưng ngắn hơn rất nhiều so với con đực vì con đực có 2 chiếc sừng rất dài. Một chiếc sừng ở ngực cong lên trời, còn chiếc sừng ở đầu chĩa xuống đất trông như một gọng kìm.
Giai đoạn ấu trùng của bọ Héc-quyn có thể kéo dài từ 1 đến 2 năm, và ấu trùng có thể đạt tới chiều dài 11 cm và nặng 28g. Ấu trùng dành phần lớn thời gian để đục khoét các thân gỗ mục làm thức ăn. Sau khi biến thành bọ trưởng thành, chúng sẽ lang thang khắp rừng để đi tìm các loại hoa quả thối rữa.
10. Bướm Phù thủy trắng (White Witch Moth)
Tuy bướm đêm Atlas có tổng diện tích cánh lớn nhất nhưng chức vô địch về bề rộng của cánh phải thuộc về bướm Phù thủy trắng. Loài bướm này có kích thước cánh từ đầu này sang đầu bên kia lên tới 31 cm.
Loài bướm này là một thành viên của họ Noctuidae sinh sống ở Texas, Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Loài bướm đêm này thường bị nhầm với các sinh vật bay khác như dơi vì sải cánh rộng của chúng. Các hoa văn trên đôi cánh khổng lồ của chúng là một công cụ ngụy trang rất tuyệt vời, đặc biệt là khi đậu trên một cành cây.
Trí Dũng (Theo Daily Mail)

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét