Trang

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

NƯỚC UỐNG ĐƯỜNG PHỐ



NƯỚC UỐNG ĐƯỜNG PHỐ
---o0o---

100% nước uống đường phố nhiễm bẩn

SGTT.VN - Ngày 23.7, tại hội thảo Khỏe và an toàn để tận hưởng cuộc sống, PGS.TS Đỗ Bá Do, phó viện trưởng viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã công bố kết quả kiểm nghiệm một số loại thức uống đường phố ở nội thành Hà Nội.
Việc lấy mẫu nước uống và nguyên liệu trước khi pha chế nước uống được lấy ngẫu nhiên ở các phố bán nhiều mặt hàng này ở Hà Nội như: nước trà chanh ở phố Nhà Thờ; trà bát bảo và nước ngô, trà đá ở Cát Linh; nước mía, nhân trần và trà xanh ở Đê La Thành...
Kết quả, tất cả các mẫu đều có vi khuẩn B. cereus, và đặc biệt cao ở mẫu nhân trần khô; 90% mẫu vượt mức cho phép về vi khuẩn E.Coli có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy; gần 50% mẫu vượt mức cho phép men, mốc; các loại nấm mốc sinh độc tố mycotoxin và aflatoxin, gây nhiễm độc cấp và mạn, tăng nguy cơ gây bệnh ung thư; 30% các mẫu có Pb, Hg, Cd vượt mức cho phép, trong đó, hàm lượng Pb, Cd trong mẫu nước trà xanh, mẫu nhân trần khô và mẫu nước nhân trần đều vượt xa giới hạn cho phép, hàm lượng Hg trong mẫu nước nhân trần cũng vượt tiêu chuẩn cho phép.
L. Hà
---o0o---

Rước hoạ vào thân từ nước uống đường phố

VTC News) - Tỷ lệ mắc ung thư của người dân Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới trong số đó ung thư dạ dày cao gấp 5 lần so với các quốc gia khác trong khu vực. 
Khảo sát trên được thực hiện trong thời gian gần đây bởi Viện nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam. Nguyên nhân gây nên tình trạng trên ià thực phẩm, đồ uống không an toàn đang “bủa vây” người Việt khiến chất lượng cuộc sống giống nòi đang có nguy cơ giảm sút. 
Ẩn họa từ nước uống đường phố
Chỉ cần rảo một vòng khắp các đường phố Hà Nội vào mỗi tối, hàng trăm quán trà chanh mọc lên khắp nơi, từ bệnh viện, trường học đến thậm chí là ngay cống rãnh. Bất cứ vỉa hè nào có chỗ thì chỉ vài ngày sau, trà chanh “chém gió” mọc lên tại đấy. Con sốt trà chanh Hà Nội nhanh chóng lan sang nhiều thành phố lớn khác cùng với văn hóa “chém gió” trở thành thứ mốt không lấy gì làm đẹp của giới trẻ. 

Cùng với sự tiêu tốn thời gian vô bổ, sức khỏe và những nguy cơ ung thư tiềm ẩn đang rình rập giới trẻ khi chất lượng các loại nước uống vỉa hè không an toàn và đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn được giới trẻ dung nạp một cách vô lo. Những thông tin gần đây trên báo chí phanh phui về công nghệ trà chanh với hóa chất, đường hóa học và nước bẩn dường như vẫn chưa đủ để giới trẻ biết sợ và lo lắng cho sức khỏe của mình. 
Giữa những buổi chém gió, nói chuyện thiên hạ hay những tiếng cười thoải mái đó là “sức khỏe” cũng đang bị các quán trà chanh, các loại nước uống “siêu độc siêu bẩn” chém dần. 
Có vào bên trong nơi chế biến của các quán trà chanh thì mới thấy giới trẻ đang “đánh cược” với sức khỏe của mình lớn như thế nào khi sự mất vệ sinh tại những nơi này được xem là đỉnh điểm”: chế biến trà kế ngay nhà vệ sinh cho khách, dùng tay không để bốc đá và đá lạnh để ngay sát cửa ra vào nhà vệ sinh, nước pha trà có thể dùng ngay các loại nước giếng khoan và các loại ly nhựa,…
Nguy cơ ung thư hiển hiện
Mỗi năm, số bệnh nhân mới mắc ung thư ở Việt Nam là 150.000 người, trong đó có 75.000 người tử vong, con số này có xu hướng tăng trong những năm tiếp theo. Nguyên nhân chủ yếu do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày và chế độ ăn uống của người Việt không quan tâm đến các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm trong một thời gian dài. 
Hiện tại, cả nước có từ 240.000 – 250.000 người mắc bệnh ung thư. Trong đó, chủ yếu là ung thư phổi, dạ dày, đại tràng, ung thư gan, ung thư vú và cổ tử cung (đối với nữ).
Hàng ngày, người dân phải ăn những loại thực phẩm bị tẩm độc bởi những loại hóa chất độc hại hay các loại nước uống đường phố không an toàn, có chứa các chất bảo quản gây nguy cơ mắc bệnh ung thư cho người tiêu dùng: hóa chất, phẩm màu bị cấm sử dụng hay các loại đường hóa học mà phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là vào mùa nóng trên cả 3 miền là các loại nước uống đường phố không an toàn và mất vệ sinh. 
Cho đến nay, trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội chưa có thống kê có bao nhiêu quán vỉa hè buôn bán và cũng hoàn toàn không có cơ quan quản lý nào có thể quản được chất lượng của các loại nước uống bày bán trên đường phố. Người tiêu dùng thì tiện đâu uống đó, giải khát trước mắt rồi bệnh tật gì từ từ tính. 
Dần dần thói quen và suy nghĩ “trời kêu ai nấy dạ” trở nên quen dần và hầu như vô cảm trước sự bẩn thỉu và độc hại của các loại đồ ăn thức uống đường phố. Và người dân mặc nhiên “sống chung với thực phẩm, đồ uống bẩn và độc hại” mà không mảy may tới sức khỏe và tính mạng của mình. 
Đã đến lúc người tiêu dùng phải thực sự nhận ra vấn nạn này và “ăn có trách nhiệm, uống có ý thức” để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng. Mùa nóng nên chọn các loại nước uống đóng chai có nhãn mác và được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, không dùng các loại nước uống tự chế biến trên vỉa hè hay không có thương hiệu rõ ràng. 
Hoàng Phúc
---o0o---

Trà chanh, nước ngô, nhân trần đường phố cực bẩn

(VTC News) – Nhiều mẫu nước uống đường phố gồm trà chanh, nước mía, nước ngô, nước trà đá, nước nhân trần, nước vối được xét nghiệm bị nhiễm khuẩn, kim loại nặng.
Tại hội thảo “Khỏe và an toàn để tận hưởng cuộc sống” diễn ra sáng 23/7 tại Hà Nội, PGS.TS Hồ Bá Do, Phó viện trưởng viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu thức uống đường phố.
9 mẫu nước uống đường phố thông thường gồm trà chanh, nước mía, nước ngô, nước trà đá, nước nhân trần, nước vối…đã được lấy tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội như phố Nhà Thờ, Phố Cát Linh, Đê La Thành…
trà chanh
Các mẫu nước này được xét nghiệm khách quan tại Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam.
Kết quả cho thấy, vi khuẩn hiếu khí xuất hiện ở 3/9 mẫu vượt mức cho phép. Chỉ tiêu này đánh giá chất lượng của mẫu về vi sinh vật, gây hỏng thực phẩm, thời gian bảo quản của sản phẩm.
Với B.cereus: 9/9 mẫu vượt mức cho phép, đặc biệt cao ở mẫu nhân trần khô. B.cereus có mặt ở khắp nơi trong môi trường và gây bệnh bằng sinh độc tố.
E.Coli: 8/9 mẫu vượt mức cho phép. Là vi khuẩn có thể tìm thấy trong phân, có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy…
Men, mốc: 4/9 mẫu vượt mức cho phép. Các loại nấm mốc sinh độc tố Mycotoxin và Aflatoxin, gây nhiễm độc cấp và mạn, tăng nguy cơ gây bệnh ung thư.
Các kim loại nặng: 3/9 mẫu có Pb, Hg, Cd vượt mức cho phép. Trong đó, hàm lượng Pb, Cd trong mẫu nước trà xanh, mẫu nhân trần khô và mẫu nước nhân trần đều vượt xa giới hạn cho phép. Hàm lượng Hg trong mẫu nước nhân trần cũng vượt tiêu chuẩn cho phép.
Pb: hấp thụ vào cơ thể có thể ảnh hưởng ức chế enzyme tổng hợp máu, phá vỡ hồng cầu, gây bệnh cho cơ thể
Hg: có thể gây độc tế bào, nguyên nhân của nhiều căn bệnh hiểm nghèo.
Cd: gây độc mạn tính (vàng men răng, rối loạn chức năng gan, loãng xương, thiếu máu, tăng huyết áp, dị dạng thai nhi); gây ngộ độc cấp: đau thắt ngực, khó thở, tím tái, sốt cao, nhịp tim chậm, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,... Nguy cơ gây ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi…
Theo Cục An toàn và vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế): tính tới ngày 30/06/2013, toàn quốc ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.800 người mắc, hơn 1.600 người nhập viện và 18 trường hợp tử vong.
Tuy có giảm hơn so với cùng kỳ 2012, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh với sức khỏe cộng đồng. Lý do bị ngộ độc chủ yếu do ô nhiễm thức ăn, đồ uống ngày càng nặng nề hơn.
Đặc biệt là những thức ăn, đồ uống đường phố đã được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bán trên vỉa hè tại các hàng, quán, nơi công cộng, khu dân cư, công viên, chợ, khu du lịch…
Ô nhiễm thực phẩm nói chung và thực phẩm đường phố nói riêng đã, đang là nguy cơ cao phát triển các bệnh đường tiêu hóa. Và Việt Nam là nước đứng đầu khu vực mắc các bệnh đường tiêu hóa.
Nguyễn Tâm
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét