Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

TÊ GIÁC JAVA



TÊ GIÁC (1/2)
Sưu tầm
---o0o---
Tê giác Java
Tê giác Java hay tê giác Sunda, còn được gọi tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus) là một trong năm loài động vật guốc lẻ còn sống sót của họ Tê giác. húng cùng thuộc một chi với loài tê giác Ấn Độ, và cũng có một bộ da nếp gấp giống như một bộ áo giáp, tuy nhiên chúng chỉ dài có 3,1–3,2 m và cao 1,4–1,7 m, nhỏ hơn tê giác Ấn Độ và gần tương đương với kích cỡ loài tê giác đen. Sừng của tê giác Java có độ dài thường dưới 25 cm , nhỏ hơn các loài tê giác khác.
Trước kia là loài phổ biến nhất trong các loài tê giác châu Á, tê giác Java từng phân bố ở các đảo của Indonesia, trải rộng toàn bộ Đông Nam Á, tới cả Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện nay chúng đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp, với chỉ hai quần thể được ghi nhận trong môi trường tự nhiên và không có con nào trong các vườn thú. Nó có thể là loài động vật có vú lớn hiếm nhất trên thế giới.
Một quần thể có ít nhất 40 con sống tại Vườn quốc gia Ujung Kulon trên đảo Java của Indonesia, và quần thể còn lại được xác nhận là đã tuyệt chủng ở Việt Nam vào năm 2011. Sự suy giảm của loài này được cho là do việc săn bắt trộm, chủ yếu để lấy sừng, một loại dược liệu có giá trị cao trong y học phương Đông truyền thống và có thể bán được với giá lên tới 30.000 đôla một kilôgam tại các chợ đen. Sự thu hẹp nơi cư trú, đặc biệt do hậu quả chiến tranh tại Đông Nam Á, cũng góp phần làm suy giảm và cản trở việc khôi phục loài. Sự phân bố hiện nay chỉ tập trung ở hai khu bảo tồn quốc gia, tuy nhiên những con tê giác Java vẫn còn đang gặp nguy hiểm bởi sự săn trộm, bệnh tật và sự giảm sút đa dạng di truyền gây ra bởi giao phối cận huyết.
Loài tê giác Java có thể sống đến khoảng 30–45 năm trong điều kiện hoang dã. Trong quá khứ chúng đã từng sinh sống trong những rừng mưa vùng đất thấp, vùng đồng cỏ ẩm ướt và các bãi bồi triền sông rộng lớn. Loài tê giác Java hầu hết thời gian sống đơn độc, trừ khi kết đôi và nuôi dạy tê giác con, dù rằng thỉnh thoảng chúng có thể tập hợp thành bầy gần các bãi đằm hay bãi liếm đất mặn. Con người là kẻ đi săn duy nhất các con tê giác trưởng thành. Chúng thường tránh xa con người, nhưng có thể sẽ tấn công nếu cảm thấy nguy hiểm.
Các nhà khoa học và bảo tồn học hiếm khi nghiên cứu chúng trực tiếp, vì độ hiếm có của chúng và nguy cơ có thể can thiệp vào một loài sinh vật đang nguy cấp. Họ thường dựa vào những bẫy ảnh tự động (camera trap) và các mẫu phân để đánh giá sức khỏe và hoạt động của các con tê giác. Chính vì vậy, tê giác Java vẫn là loài được nghiên cứu ít nhất trong tất cả các loài tê giác hiện nay.
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét