NHẠC SĨ HOÀNG HIỆP QUA
ĐỜI
vnexpress.net
– Chi Mai
Nhạc sĩ tài hoa trút
hơi thở cuối cùng vào 12h45 phút ngày 9/1 tại nhà riêng ở TP HCM, để lại niềm
thương tiếc cho gia đình, khán giả.
Sau khoảng thời gian nằm bệnh viện để cấp cứu, nhạc sĩ Hoàng Hiệp không
qua khỏi cơn nguy kịch. Ông được gia đình đưa về nhà riêng ở quận 2, TP HCM và
ra đi trong vòng tay người thân yêu.
Lễ viếng nhạc sĩ Hoàng Hiệp sẽ bắt đầu từ 19h ngày 9/1 tại Nhà tang lễ
TP HCM (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3). Ngày 12/1, linh cữu ông được gia đinh an
táng tại Nghĩa trang Thành phố.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Ảnh: Thanh Hiệp.
Ở tuổi 82, sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc thương trong lòng khán giả
cả nước. Vài ngày trước, do tuổi cao sức yếu, nhạc sĩ rơi vào hôn mê sâu. Bác
sĩ cũng như gia đình đều nỗ lực cứu chữa mong ông hồi phục
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp - tên thật là Lưu
Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn - sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện
Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên
truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ
Long Châu Hà.
Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác từ năm
1948. Việc tập kết ra miền Bắc như một khởi điểm cho cảm hứng của người nhạc sĩ
Nam
bộ. Năm 1957, bài hát Câu hò bên bờ Hiển
Lương viết chung với nhạc sĩ Đằng Giao là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng
tác chuyên nghiệp của Hoàng Hiệp.
Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội
(khoảng 1955 đến 1975), ông đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong đó tiêu
biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ như Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng
gác.
Những ca khúc của ông thường mang âm
hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ truyền xúc động. Bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp là một tác
phẩm đặc sắc của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 về tình yêu thành
phố bên bờ sông Hồng. Đây cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết
về Hà Nội.
Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ
thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên Bến Hiền
Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông - Trường Sơn Tây,
Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.
---o0o---
Nghệ sĩ thắp “nén nhang lòng” cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp
(TNO) Là tác giả của những ca khúc ghi dấu ấn qua nhiều thế hệ, sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã để lại niềm tiếc thương trong lòng những ca sĩ từng tiếp xúc và gắn bó với những ca khúc của ông.
Các ca sĩ Thanh Thúy, Mỹ Lệ, Quang Linh... đã chia sẻ với Thanh Niên Online những kỷ niệm về người
nhạc sĩ tài hoa này.
Ca sĩ Thanh Thúy: Bác Hoàng Hiệp như
người cha, người chú trong gia đình
Tôi còn nhớ rõ khi tham gia cuộc thi Tiếng
hát truyền hình vào năm 1993, tôi mới 16 tuổi, lọt vào top 12 thí
sinh, còn bác Hoàng Hiệp là giám khảo cuộc thi đó.
Sau khi nghe tôi hát Anh ở đầu sông,
em cuối sông, bác đã ân cần nói với mẹ tôi rằng tôi có giọng hát
mộc mạc, tự nhiên, nếu được học thêm thanh nhạc sẽ phát triển hơn về sau này.
Từ lời khuyên đó, tôi đã đi học thanh nhạc; sau đó, quay lại tham gia cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 1994. Kết quả,
tôi giành được giải nhất.
Có thể nói, bác Hoàng Hiệp là người thầy đầu tiên của tôi trên con
đường ca hát. Sau này, tôi đã thể hiện nhiều ca khúc của bác và rất được khán
giả yêu mến như Trường Sơn Đông, Trường Sơn
Tây, Đất quê ta mênh mông, Con đường có lá me bay… đặc biệt là bài Viếng lăng Bác. Ca khúc này gắn liền với
nhiều kỷ niệm của tôi.
Ca sĩ Thanh Thúy - Ảnh: Thiên Hương
Những năm sau này, tôi cũng có nhiều dịp gặp lại nhạc sĩ Hoàng Hiệp ở
Hội Âm nhạc TP.HCM hoặc đến nhà riêng thăm bác. Bác bảo rằng bác rất mừng vì
tôi vẫn giữ được sự mộc mạc ngày nào.
Với tôi, bác Hoàng Hiệp như người cha, người chú trong gia đình. Dù biết
bác bệnh đã nhiều năm nhưng khi nghe tin bác mất, tôi rất xúc động. Tôi dự định
chiều nay 10.1 sẽ đến viếng bác.
Sắp tới, trong chương trình cầu truyền hình Những mùa xuân lịch sử vào tối 20.1, tôi
sẽ thể hiện ca khúc Đất quê ta mênh mông
của nhạc sĩ Hoàng Hiệp như “nén nhang lòng” viếng bác.
Ca sĩ Quang Linh: Hát nhạc Hoàng
Hiệp, mắt tôi cay xè
Chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với nhạc sĩ Hoàng Hiệp nhưng tôi luôn dành
sự kính trọng sâu sắc đối với người nhạc sĩ có những sáng tác chạm vào
trái tim nhiều thế hệ này.
Những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp thường mang đến nhiều cảm xúc
như Câu hò bên bờ Hiền Lương, Mùa chim
én bay… Nhiều lần, khi hát những ca khúc này, tôi cảm thấy mắt mình
cay xè.
Ca sĩ Quang Linh - Ảnh: Thành An
Sáng nay, đọc báo, tôi mới biết tin bác mất, định bụng tối nay sẽ đến
viếng bác lần cuối. Điều đáng tiếc nhất là tôi chưa có cuộc chuyện trò nào với
bác về âm nhạc…
Ca sĩ Ánh Tuyết: Chú Hoàng Hiệp rất
giống với tưởng tượng của tôi!
Từ khi còn là học sinh, sinh viên, tôi đã nằm lòng các ca khúc của nhạc
sĩ Hoàng Hiệp. Bài Viếng lăng Bác
của chú từng giúp tôi giành huy chương vàng Hội diễn văn nghệ toàn quốc những
năm 1980.
Trong những lần đi hát, Viếng lăng
Bác và Em vẫn đợi anh về
cũng là hai ca khúc từng giúp tôi lấy nước mắt khán giả từ Bắc đến Nam. Khi đó,
tôi chưa biết nhạc sĩ Hoàng Hiệp như thế nào. Nhưng, trong tưởng tượng của tôi,
chú là một người nhạc sĩ hiền lành, bao dung, tình cảm mênh mông.
Ca sĩ Ánh Tuyết - Ảnh: HQV
Sau này vào Sài Gòn, có dịp gặp chú, tôi nhận ra quả đúng như những gì
mình đã nghĩ. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp rất hiền, mực thước và sống tình cảm. Sự ra đi
của chú khiến những người con, người cháu như chúng tôi không khỏi ngậm ngùi.
Ca sĩ Mỹ Lệ: Bác hiền lành và rất
nghệ sĩ!
Tôi cũng ít nhiều có dịp gần gũi, trò chuyện với nhạc sĩ Hoàng Hiệp
và thể hiện các ca khúc của bác như Câu hò
bên bờ Hiền Lương, Nơi em gặp anh....
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp thật sự là một trong những đại thụ của nền âm
nhạc Việt Nam.
Những sáng tác của bác đều là tác phẩm để đời vì đó không chỉ là những bản tình
ca mà còn ghi nhận những cột mốc quan trọng của lịch sử.
Ca sĩ Mỹ Lệ - Ảnh: Duy Minh
Trong ấn tượng của tôi về nhạc sĩ Hoàng Hiệp thì bác là người hiền lành
và rất nghệ sĩ. Dù biết bác đã lớn tuổi nhưng sự ra đi của bác khiến tôi không
khỏi luyến tiếc, ngậm ngùi.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét